| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng khung dịch vụ khí hậu tại Việt Nam

Thứ Hai 07/07/2025 , 19:38 (GMT+7)

Thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường thì nhu cầu thông tin dự báo, cảnh báo càng cao hơn. Các dịch vụ khí tượng, khí hậu cần sẵn sàng và dễ tiếp cận.

Kết nối thông tin khí hậu với thực tiễn

Khác với các dịch vụ công khí tượng thủy văn (KTTV) không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm các hoạt động cung cấp thông tin KTTV phục vụ chung cho các phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn..., “dịch vụ KTTV” là hoạt động có thu trên cơ sở thỏa thuận giữa người cung cấp và sử dụng dịch vụ. Tại Việt Nam, Luật Khí tượng Thủy văn đã đưa ra khái niệm và quy định cụ thể các trường hợp này.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, hợp tác xã dùng bản tin khí hậu theo tuần, theo mùa, theo năm để quyết định thời điểm gieo trồng, lựa chọn giống phù hợp với xu hướng mưa – nhiệt độ trong mùa vụ. Trong y tế, dịch vụ KTTV giúp xác định các khu vực có điều kiện khí hậu làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh dịch. Trong năng lượng, bản đồ mật độ năng lượng gió, năng lượng mặt trời giúp lựa chọn những khu vực đầu tư các nhà máy điện tái tạo đạt hiệu suất cao nhất...

Thông tin KTTV là đầu vào quan trọng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TN.

Thông tin KTTV là đầu vào quan trọng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TN.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ KTTV rải rác ở nhiều lĩnh vực, trong khi thông tin, dữ liệu KTTV có tính đặc thù kỹ thuật cao, không phải ai cũng có thể liên hệ với thực tế để sử dụng. Do đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã ban hành hướng dẫn xây dựng Khung Dịch vụ khí hậu quốc gia (NFCS), nhằm hỗ trợ các quốc gia thiết lập hệ thống dịch vụ khí hậu hiệu quả, có tính phối hợp liên ngành và hướng tới phục vụ phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một Khung Dịch vụ khí hậu quốc gia chính thức. Các hoạt động dịch vụ KTTV do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thực hiện còn nhỏ lẻ và chưa thể hiện vai trò gắn kết khoa học khí hậu với hành động thực tiễn của chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ NN-MT): Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cả về cường độ và tần suất, việc từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai NFCS là yêu cầu cấp thiết và mang tính chiến lược. Mục tiêu chính nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng ra quyết định trong các lĩnh vực chịu tác động bởi khí hậu như nông nghiệp, tài nguyên nước, y tế, phòng chống thiên tai… thông qua việc cung cấp thông tin và dự báo khí hậu đáng tin cậy, kịp thời và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Định hướng khung dịch vụ khí hậu tại Việt Nam

Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Khung dịch vụ khí hậu quốc gia cho Việt Nam trên cơ sở Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu. Trong đó, hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá liên quan đến hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, Chính phủ đã lồng ghép xây dựng NFCS vào Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, thời tiết cực đoan gây ra.

Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khí hậu. Ảnh: TN.

Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khí hậu. Ảnh: TN.

Theo bà Emma Dyer – Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, nông nghiệp sẽ là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong NFCS của Việt Nam, bên cạnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhạy cảm với khí hậu khác như thủy lợi, y tế, năng lượng, giao thông… Cần hướng tới xây dựng một hệ thống phối hợp liên ngành, trong đó các tổ chức cùng nhau đồng thiết kế, đồng sản xuất, truyền thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ khí hậu. Mục tiêu cuối cùng là giúp các cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương ra quyết định tốt hơn trước các sự kiện thời tiết, thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu với tác động từ biến đổi khí hậu.

Từ kinh nghiệm triển khai bản tin thời tiết nông vụ tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, TS. Nguyễn Đăng Mậu, Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, NFCS cần lấy người dùng làm trung tâm, có tham vấn nhu cầu sử dụng thông tin KTTV để đưa ra thiết kế khung dịch vụ khả thi nhất. Trong đó, chú trọng tính liên ngành, liên vùng, linh hoạt để phù hợp áp dụng trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, cần có các quy định chặt chẽ về pháp lý – tài chính. Mặt khác, NFCS cần có sự gắn kết với thực hiện các mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu trong Kế hoạch thích ứng quốc gia; mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris; các kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, y tế, tài nguyên nước, năng lượng...

Nhu cầu dịch vụ KTTV cho nông nghiệp rất lớn. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế lĩnh vực này chịu tổn thất nặng nề qua mỗi đợt thiên tai. Trong giai đoạn từ năm 2010-2024, canh tác trồng trọt thiệt hại lớn nhất với trên 14.000 tỷ đồng. Tiếp đến là chăn nuôi gần 10.000 tỷ đồng, thủy sản là trên 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, hàng trăm nghìn ha sản xuất nông nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng thiệt hại, giảm năng suất vào các đợt khô hạn năm 2015-2016, 2019-2020. Những năm gần đây, thiệt hại giảm hẳn nhờ công tác chỉ đạo sản xuất theo sát dự báo thời tiết từ sớm, từ xa. Riêng bão Yagi năm 2024, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp chiếm 38% trong tổng thiệt hại của các địa phương.

Kinh nghiệm từ Đài Loan

Theo ông Jing-Shan Hong – Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Trung ương Đài Loan (Trung Quốc), trước hết, cơ quan quản lý KTTV cần nhận diện đúng bản chất của những thay đổi khí hậu mà đất nước đang đối mặt. Điều này đòi hỏi cần có hệ thống cảnh báo và dự báo khí hậu liền mạch, đủ độ chi tiết để hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực.

Trên cơ sở đó, Cục Khí tượng Trung ương Đài Loan đã tập trung phát triển các yếu tố nền tảng để cung cấp dịch vụ khí hậu hiệu quả, bao gồm: hệ thống quan trắc toàn diện, nâng cao năng lực khoa học khí hậu, hướng dẫn dự báo cụ thể, hạ quy mô độ phân giải các kịch bản, bản đồ dự báo... “Hiện nay, mạng lưới quan trắc của chúng tôi bao gồm hơn 160 trạm GPS, hàng chục phao đo, trạm thủy triều, radar và cả máy bay không người lái. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp để thiết lập gần 200 trạm thời tiết nông nghiệp trong giai đoạn 2022–2025 nhằm phục vụ các vùng sản xuất chủ lực” - ông Jing-Shan Hong chia sẻ.

Dịch vụ khí hậu giúp đơn giản hóa thông tin dự báo, cảnh báo phục vụ cho nhu cầu ra quyết định của người dùng. Ảnh: TN.

Dịch vụ khí hậu giúp đơn giản hóa thông tin dự báo, cảnh báo phục vụ cho nhu cầu ra quyết định của người dùng. Ảnh: TN.

Đài Loan đã phát triển các tập dữ liệu khí hậu phân tích theo trạm, với độ phân giải không gian từ 1–2,5 km và thời gian từ giờ, ngày đến tháng, phục vụ phân tích và dự báo. Mạng lưới radar thời tiết đa cực độ phân giải cao đang đóng vai trò trọng yếu trong việc phát hiện mưa lớn, giám sát bão và cung cấp dữ liệu đầu vào cho hệ thống mô hình dự báo. Tuy nhiên, dự báo thô từ mô hình chưa đủ để đưa vào sử dụng thực tế. Vì vậy, các phương pháp hiện đại được áp dụng để hiệu chỉnh sai số, hiệu chuẩn xác suất và hạ quy mô dữ liệu.

Nhờ đó, chất lượng dự báo đã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt với các hiện tượng cực đoan như lạnh sâu, mưa lớn kéo dài. Các sản phẩm dự báo giờ đây có thể phân giải đến cấp thị trấn, xã, phục vụ cụ thể cho các lĩnh vực như nông nghiệp, quản lý hồ chứa, quy hoạch đô thị, ứng phó thiên tai. Trên cơ sở đó, Cục đã xây dựng một lộ trình chiến lược cho phát triển dịch vụ khí hậu, với các định hướng: kéo dài tầm dự báo từ ngắn hạn đến nhiều năm, chuyển từ dự báo điểm sang dạng lưới, từ trung bình sang cực đoan, từ định tính sang định lượng và cuối cùng là chuyển từ dự báo thuần túy sang hỗ trợ ra quyết định.

Xem thêm

Bình luận mới nhất