Đặc khu Phú Quốc có tổng diện tích hơn 589km2 gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 2 phường Dương Đông, An Thới và 6 xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn của thành phố Phú Quốc cũ.
Ngày 2/7, HĐND đặc khu Phú Quốc đã ký nghị quyết về việc đổi 29 ấp thuộc các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Gành Dầu, Cửa Dương, Cửa Cạn và Bãi Thơm, TP Phú Quốc (cũ) thành 29 khu phố thuộc đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang. Với cơ chế quản lý đặc biệt, Phú Quốc được trao quyền tự chủ cao trong quản lý đầu tư, tài chính, hành chính và đất đai, cho phép đẩy nhanh quá trình thu hút vốn và triển khai các dự án lớn.

Phú Quốc đặt trọng tâm vào các ngành kinh tế biển như du lịch, logistics hàng hải, nuôi trồng và chế biến thủy sản, công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Ảnh: Minh Hoàng.
Trong định hướng phát triển, Phú Quốc đặt trọng tâm vào các ngành kinh tế biển như du lịch, logistics hàng hải, nuôi trồng và chế biến thủy sản, công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Hệ thống hạ tầng hiện đại như sân bay quốc tế, cảng nước sâu và mạng lưới giao thông liên vùng giúp đảo ngọc trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng tại khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ dừng lại ở kinh tế, chính quyền đặc khu chú trọng đến phát triển bền vững bằng việc gìn giữ khu bảo tồn biển rộng hơn 26.000 ha. Nơi đây lưu giữ nhiều hệ sinh thái quý hiếm như rạn san hô, thảm cỏ biển và các loài có nguy cơ tuyệt chủng như dugong, rùa biển. Phú Quốc đang hướng tới phát triển du lịch xanh và nghỉ dưỡng sinh thái, kết hợp giữa trải nghiệm cao cấp và bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa.
Đặc biệt, việc Phú Quốc được chọn đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn về đầu tư hạ tầng, cải thiện dịch vụ và nâng tầm vị thế quốc tế của đảo ngọc. Đây không chỉ là cơ hội để quảng bá hình ảnh Phú Quốc ra toàn cầu, mà còn là dịp để kết nối sâu rộng với cộng đồng kinh tế quốc tế.