Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế tối thiểu và bổ sung lên 180 thị trường nhập khẩu. Trong đó, đối với riêng Việt Nam, mức thuế theo công bố là 46%, thuộc tốp cao thế giới.
Chính sách thuế mới của Mỹ đã tạo ra thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam bởi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Ấn Độ đang có lợi thế nhờ vào mức thuế thấp hơn. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, nếu mức thuế đối ứng mới của Mỹ được áp dụng sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Cần triển khai nhanh các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các mặt hàng quan trọng chịu tác động lớn từ chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: Minh họa.
Theo Bộ Nông nghiệp và môi trường, hiện nay Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc), chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu NLTS sang Mỹ đạt hơn 14,3 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023. Trong quý I/2025, xuất khẩu NLTS sang thị trường này đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: gỗ, tiêu, điều, thủy sản, cà phê và rau quả.
Hiện nay Mỹ đang hoãn áp thuế đối ứng 46% với hàng nhập từ Việt Nam. Tuy nhiên, để ứng phó với việc thời gian tới, Mỹ vẫn quyết định áp mức thuế cao, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã đưa ra 3 kịch bản dự báo cho ngành NLTS Việt Nam trong năm 2025. Mỗi kịch bản đều gắn liền với những mức thuế cụ thể mà Mỹ có thể áp dụng, từ đó phản ánh tác động tương ứng đến kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng ngành.
Kịch bản 1, nếu thuế suất giữ ở mức 10% suốt năm 2025 và áp dụng đồng đều cho các nước, xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ gần như không bị ảnh hưởng.
Kịch bản 2, nếu sau thời gian hoãn, hai bên thống nhất mức thuế 20%, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể giảm 20%, kéo tăng trưởng ngành NLTS giảm 0,15-2 điểm %, còn khoảng 3,8-3,85%.
Kịch bản 3, nếu Mỹ vẫn áp thuế 46%, xuất khẩu nửa cuối năm dự kiến giảm 40%, khiến tăng trưởng ngành giảm 0,3-0,4 điểm %, còn 3,6-3,8%.
Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường cũng đưa ra các giải pháp ứng phó như tăng cường đối thoại với Mỹ, hỗ trợ khẩn cấp và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, cần tăng cường đối thoại với Mỹ để tìm giải pháp giảm thuế nhập khẩu hai chiều hoặc xin miễn giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược. Song song với đó là đẩy mạnh minh bạch hóa xuất xứ hàng hóa và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng rõ ràng.
Cần triển khai nhanh các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các mặt hàng quan trọng chịu tác động lớn từ thuế mới. Các biện pháp này nên ngắn hạn nhưng cần triển khai nhanh và đủ mạnh để giúp doanh nghiệp, người dân kịp thích ứng. Có thể triển khai ngay viêc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, hoãn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, hỗ trợ lãi suất cho đối tượng bị ảnh hượn; cùng với đó là tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành, chủ yếu thông qua nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho NLTS Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Á, ASEAN, Mỹ, EU, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ), Mỹ Latin, một số nước lớn ở châu Phi và các thị trường mới như các quốc gia tiêu dùng thực phẩm Halal.