| Hotline: 0983.970.780

Ông Trump hoãn áp thuế 90 ngày với các nước, trừ Trung Quốc

Thứ Năm 10/04/2025 , 07:01 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/4 cho biết ông sẽ tạm thời giảm các khoản thuế trước đó với hàng chục quốc gia nhưng vẫn tiếp tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 9/4. Ảnh: Getty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 9/4. Ảnh: Getty.

Quyết định của ông Trump, diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi các khoản thuế mới đối với hầu hết các đối tác thương mại chính thức có hiệu lực, khiến cho thị trường tài chính biến động dữ dội nhất kể từ đại dịch Covid-19. Sự biến động này đã khiến hàng nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán và dường như thu hút được sự chú ý từ ông Trump.

Bài liên quan

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Trump đã nhiều lần đe dọa hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với các đối tác thương mại, song đã thu hồi một số biện pháp vào phút chót. Cách tiếp cận lặp đi lặp lại đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới bối rối và khiến các giám đốc điều hành doanh nghiệp sợ hãi, cho rằng sự bất ổn này đã gây khó khăn cho việc dự báo thị trường.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định rằng việc hoãn đánh thuế nằm trong kế hoạch đưa các quốc gia vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông Trump sau đó đã chỉ ra rằng sự hoảng loạn trên các thị trường đã diễn ra kể từ khi thông báo thuế quan ngày 2/4 đã ảnh hưởng đến quyết định của ông. Mặc dù nhấn mạnh trong nhiều ngày rằng các chính sách của ông sẽ không bao giờ thay đổi, ông nói với các phóng viên hôm 9/4: "Các bạn phải thật linh hoạt".

Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc, nhà cung cấp hàng nhập khẩu số 2 của Mỹ. Ông Trump cho biết ông sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ mức 104% lên 125% có hiệu lực vào cuối ngày 9/4, làm leo thang thêm cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hai nước đã nhiều lần tăng thuế "ăn miếng trả miếng" trong tuần qua.

Ông Trump không rút lại toàn bộ chính sách thuế quan mới công bố, thuế 10% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ vẫn có hiệu lực, Nhà Trắng cho biết. Thông báo này dường như cũng không ảnh hưởng đến thuế đối với ô tô, thép và nhôm đã được áp dụng.

Việc đóng băng 90 ngày cũng không áp dụng đối với Canada và Mexico, vì hàng hóa của họ vẫn phải chịu thuế 25% liên quan đến fentanyl nếu các nước này không tuân thủ các quy tắc xuất xứ của hiệp định thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada. Những khoản thuế đó vẫn được áp dụng cho đến thời điểm hiện tại, với sự miễn trừ vô thời hạn đối với hàng hóa tuân thủ USMCA.

Bộ trưởng Tài chính Bessent đã bỏ qua các câu hỏi về sự hỗn loạn của thị trường và cho biết sự đảo ngược đột ngột là dành cho các quốc gia đã chú ý đến lời khuyên kiềm chế trả đũa của ông Trump. Ông cho rằng Trump đã sử dụng thuế quan để tạo ra lợi thế đàm phán tối đa. "Đây là chiến lược của ông ấy từ trước đến nay. Và các bạn thậm chí có thể nói rằng ông ấy đã đẩy Trung Quốc vào thế hạ phong", ông Bessent nói với các phóng viên.

Ông Bessent từ chối cho biết các cuộc đàm phán với hơn 75 quốc gia đã liên lạc với Mỹ có thể sẽ mất bao nhiêu thời gian. Ông Trump nói rằng một giải pháp đàm phán với Trung Quốc cũng có thể xảy ra. Nhưng các quan chức cho biết họ sẽ ưu tiên đàm phán với các quốc gia khác trước.

"Trung Quốc muốn thực hiện một thỏa thuận. Họ chỉ không biết làm điều đó như thế nào", ông Trump nói.

Ông Trump nói với các phóng viên rằng ông đã cân nhắc tạm dừng trong vài ngày. Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 7/4 đã bác bỏ thông tin rằng chính quyền đang xem xét một động thái như vậy và gọi đó là "tin giả".

"Trung Quốc khó có thể thay đổi chiến lược của mình: đứng vững, hấp thụ áp lực và để ông Trump chơi quá tay. Bắc Kinh tin rằng ông Trump coi việc nhượng bộ là bộc lộ điểm yếu, vì vậy nhượng bộ chỉ khiến thêm nhiều áp lực hơn", Daniel Russel, phó chủ tịch phụ trách an ninh và ngoại giao quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết.

"Các quốc gia khác sẽ hoan nghênh việc hoãn thực thi thuế 90 ngày nhưng những diễn biến bất ổn sẽ liên tục tạo ra sự không chắc chắn mà các doanh nghiệp và chính phủ không thích", ông Russel nói.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng trở lại sau tin tức này, với chỉ số S&P 500 tăng 9,5%. Kể từ khi ông Trump công bố thuế quan hôm 2/4, các công ty S&P 500 đã mất gần 6 nghìn tỷ USD giá trị thị trường chứng khoán, mức giảm kỷ lục trong 4 ngày kể từ những năm 1950

Thuế quan của Trump đã gây ra một đợt bán tháo kéo dài nhiều ngày, xóa hàng nghìn tỷ USD khỏi chứng khoán toàn cầu và gây áp lực lên trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng đô la, vốn tạo thành xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu. Canada và Nhật Bản cho biết họ sẽ can thiệp để đảm bảo sự ổn định nếu cần thiết, một nhiệm vụ thường được Mỹ thực hiện trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.

Các nhà phân tích cho biết giá cổ phiếu tăng đột ngột có thể không khắc phục được toàn bộ thiệt hại. Các cuộc khảo sát cho thấy đầu tư kinh doanh và chi tiêu hộ gia đình chậm lại do lo ngại về tác động của thuế quan, và một cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy 3/4 người Mỹ cho rằng giá hàng hóa sẽ tăng trong những tháng tới.

Goldman Sachs đã giảm xác suất suy thoái từ 65% xuống 45% sau động thái của ông Trump, cho rằng thuế quan vẫn có khả năng khiến cho mức thuế tổng thể tăng 15%.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Ứng dụng tàu vũ trụ đo hàm lượng carbon rừng

Các nhà khoa học châu Âu đang xây dựng bản đồ 3D đo hàm lượng carbon tại các khu rừng xa xôi và khó tiếp cận bằng cách ứng dụng tàu vũ trụ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.