
Chính sách thuế quan của Mỹ chính thức có hiệu lực, tác động đến hơn 100 quốc gia. Ảnh: Alex Wong.
Chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực từ ngày 9/4 đối với gần 100 quốc gia. Chính sách này đã tạo ra làn sóng thương lượng mới giữa nhiều quốc gia, khi họ buộc phải tìm cách đàm phán lại các điều khoản thương mại với Washington.
Những mức thuế mới được đưa ra như một phần trong chiến lược “thuế quan có đi có lại” của ông Trump, nhắm đến các quốc gia mà chính quyền của ông cho là hành xử không công bằng trong thương mại quốc tế. Điều này cũng đẩy mức thuế của Hoa Kỳ lên cao nhất kể từ trước Thế chiến II.
Theo Wall Street Journal, khu vực Đông Nam Á nằm trong số những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, Việt Nam, Lào và Campuchia chứng kiến mức tăng thuế quan lên tới hơn 45%.
Trung Quốc là quốc gia bị đánh thuế mạnh nhất, với mức thuế bổ sung 84%, nâng tổng mức thuế mà chính quyền Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ lên tới 104%. Nếu tính cả các mức thuế đã được áp dụng từ trước nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, mức thuế quan trung bình đối với Trung Quốc hiện vào khoảng 125%.
Dù chính quyền Tổng thống Trump khẳng định rằng các quốc gia vẫn có cơ hội đàm phán để được giảm thuế, cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận cụ thể nào được đưa ra.
Phản ứng trước các động thái mới của Washington, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai cho biết, việc đe dọa và gây sức ép không phải là cách đúng đắn để đối phó với Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Lin Jian gọi các mức thuế của Tổng thống Trump là một hành vi “bắt nạt” và lên án đây là biểu hiện điển hình của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt kinh tế.
Theo ông Lin, thuế quan được áp đặt dưới danh nghĩa “đối ứng” thực chất chỉ phục vụ lợi ích riêng của Hoa Kỳ, trong khi đẩy các quốc gia khác vào thế bất lợi.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc Hoa Kỳ lạm dụng thuế quan chẳng khác nào tước đi quyền phát triển của các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thuộc Nam Bán cầu. Ông cảnh báo về khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo không chỉ trong nội bộ từng quốc gia mà còn trên bình diện toàn cầu, trong đó các nước kém phát triển sẽ phải gánh chịu tác động nghiêm trọng hơn cả.
Trung Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia cùng nhau duy trì tinh thần tham vấn, xây dựng và chia sẻ, hướng đến một hình thái “chủ nghĩa đa phương thực sự”. Nước này cũng đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên cơ quan giám sát thương mại có trụ sở tại Geneva, thể hiện lập trường cứng rắn và quyết đoán hơn trong đối phó với các biện pháp mà họ coi là không công bằng.
Theo ước tính của Goldman Sachs, mức thuế gần 100% mà Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm khoảng 2,4 điểm phần trăm. Trong khi Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm nay, Goldman chỉ dự báo mức tăng trưởng 4,5% và cảnh báo rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Trung Quốc vẫn còn ở mức cao.