| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng những biện pháp thuận thiên để ứng phó biến đổi khí hậu

Chủ Nhật 18/12/2022 , 14:10 (GMT+7)

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho rằng biến đổi khí hậu mang đến cả những thách thức và thời cơ cho ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phước thăm một mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa Mã Lai.

Ông Nguyễn Thành Phước thăm một mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa Mã Lai.

Kết quả nghiên cứu tại Sóc Trăng và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, tốc độ lún trung bình khoảng 1cm/năm và chưa có xu hướng giảm. Điều này gây ra tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đô thị như.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường từng công bố, khi mực nước biển dâng cao thêm 1m vào năm 2100, Sóc Trăng sẽ bị ngập 45,5% diện tích tự nhiên ứng với mức triều thấp và ngập 72,85% ứng với mức triều cao. Nhiều vùng trũng như TX. Ngã Năm và các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, một phần huyện Châu Thành và huyện Cù Lao Dung bị ngập hầu như hoàn toàn. 

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thừa nhận, bắt đầu từ khoảng năm 2016, tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn xảy ra kéo dài. "Đây không còn là vấn đề xảy ra theo chu kỳ nữa. Chúng ta gần như phải đối diện với xâm nhập mặn, hạn hán rồi mưa bão cục bộ, mưa trái vụ... thường xuyên", ông nói.

Thực tế ấy đặt ra cho ngành nông nghiệp Sóc Trăng hai vấn đề. Thứ nhất, là tuyên truyền, vận động bà con nông dân thấy rõ sự lợi - hại, sự khó khăn trong biến đổi khí hậu này. Ông Phước cho rằng, biến đổi khí hậu thường được nhắc đến ở những tác động tiêu cực, nhưng nếu biết cách thích nghi, nó sẽ mở ra cơ hội tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như: điều chỉnh thời vụ, cơ cấu giống cây trồng phù hợp hơn, tu bổ lại đê điều...

"Đây là cả một quá trình thích ứng. Trong suốt thời gian đó, bà con nông dân sẽ dần nhận thức được vấn đề và chuyển đổi những cách làm mới hiệu quả hơn", ông Phước bày tỏ.

Vấn đề thứ hai được Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật đề cập, là sau những đợt bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mùa màng của bà con thường bội thu hơn. Ông lấy ví dụ về việc tôm cá trên sông Hậu mùa này nhiều hơn; hoặc quãng thời gian nghỉ giữa vụ đông xuân và hè thu bắt buộc phải dài hơn, giúp đất có thêm thời gian phục hồi, giảm sâu bệnh.

"Nếu chỉ nói về mặt hại, bà con sẽ e dè với những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng nếu bà con được biết, rằng xuống giống vụ sắp tới với chi phí thấp hơn, sâu bệnh ít hơn, lúa năng suất hơn... chắc chắn họ sẽ không ngần ngại chuyển đổi sang những mô hình như 2 lúa 1 màu", lãnh đạo ngành nông nghiệp Sóc Trăng nói tiếp.

Ngành nông nghiệp có nhiều giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp có nhiều giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Qua quá trình đi thực tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Chi cục trưởng Nguyễn Thành Phước nhận thấy, những hộ canh tác lúa, rau màu, cây ăn trái của địa phương đều đạt tới một trình độ nhất định về khoa học kỹ thuật. Họ đã biết cách ứng dụng những thành tựu, tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, và giảm nhân công làm việc.

Dù vậy, vấn đề biến đổi khí hậu chưa được người dân nhận thức một cách đúng đắn. Hầu hết dựa vào kinh nghiệm để ứng phó. Chẳng hạn, khi thấy nước trên sông có màu hơi đục là nước ngọt, nước trong xanh là nước mặn, nước mặn xâm nhập thường vào thời điểm có gió chướng thổi về... Điều này, theo ông Phước, xuất phát từ hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, công tác dự tính, dự báo còn hạn chế.

Thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, không tuân theo quy luật nên việc dự báo bằng kinh nghiệm  của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai. Để giải quyết một cách triệt để, ông Phước kêu gọi sự vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã và doanh nghiệp.

"Sóc Trăng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì thế, mọi người phải hiệp sức mới có thể mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân, cũng như khắc phục được những mặt trái của biến đổi khí hậu", ông nhấn mạnh.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.