Rừng phòng hộ tiểu khu 279, thuộc lâm phần Lâm trường Đăk Tô (Cty Đầu tư phát triển lâm nông công nghiệp và dịch vụ Đăk Tô), tỉnh Kon Tum đang bị lâm tặc hoành hành.
Nơi đây còn lại cây sao xanh hàng trăm năm tuổi, người dân trong vùng rất kiêng kỵ cũng bị chúng “xẻ thịt”. Đường kính của cây sao xanh này lên đên 2,2 mét, giá trị gỗ lâm tặc xẻ ra khoảng gần 500 triệu đồng.
Theo đoàn kiểm tra liên ngành của huyện xuất phát từ thị trấn Đăk Tô vào khoảng 8 giờ sáng, nhưng phải đến 11 giờ 30 phút chúng tôi có mặt tại hiện trường. Bước vào rừng thì gặp ngay gỗ được bọn lâm tặc cưa xẻ nằm ngổn ngang. Lội xuống một khe sâu, chúng tôi bắt gặp những tấm gỗ to từ cây sao xanh cổ thụ bị lâm tặc cưa xẻ thành những tấm gỗ dài, rộng vuông vức nằm xếp lớp, chất chồng dọc theo đáy dốc của lòng khe. Nhìn những tấm gỗ, các cán bộ trong đoàn ai nấy cũng đều "ngả mũ" trước tài cưa xẻ gỗ của lâm tặc, bởi tuy xẻ gỗ bằng cưa lốc, nhưng những tấm gỗ xẻ lại thẳng băng, đẹp hơn cả gỗ được cưa xẻ trong các xưởng chế biến gỗ.
Cán cán bộ trong đoàn thốt lên: “Phải là tay thợ rừng già nghề mới xẻ gỗ đẹp như thế!”. Mượn thước của cán bộ kiểm lâm, tôi đo được những tấm gỗ ở đoạn gốc có chiều dài 3,2 mét, rộng gần 90 cm, dày hơn 10 cm và đếm được 10 tấm. Ngọn gỗ nằm chỏng chơ một bên vách núi, ước đoán đường kính mặt cắt hơn 1 mét. Nhưng đưa mắt nhìn mãi vẫn không thấy gốc cây gỗ đâu cả, khi ngước lên dõi theo tay chỉ của cán bộ trong đoàn, tôi mới thấy phần gốc gỗ nằm trên đầu vực vách núi.
Bám rễ cây rừng leo lên, chúng tôi thật sự kinh ngạc bởi lần đầu tiên được chứng kiến một cây gỗ sao xanh có gốc to như thế. Đường kính mặt cắt gốc gỗ chỗ rộng lên đến 2,2 mét. Kế bên cây sao xanh là một cây đa cổ thụ bị cây gỗ sao xanh ngã đổ gẫy không còn ngọn. Theo các cán bộ trong đoàn, cây sao xanh cổ thụ này phải đến hàng trăm năm tuổi. Nó còn lại trong rừng là do các thợ rừng và đồng bào dân tộc ít người trong vùng kiêng kị không dám xẻ, vì nó đứng cạnh cây đa sợ làm kinh động đến thần linh.
Từ những thông tin của người dân và căn cứ trên đường cưa xẻ gỗ, các cán bộ trong đoàn công tác cho rằng, đây chắc chắn là những tay thợ rừng lành nghề ở thị trấn Đăk Tô vào khai thác, người dân địa phương không thể cưa xẻ gỗ đẹp được như thế.
Lượng gỗ tại hiện trường, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện ước tính khoảng 50 m3 quy tròn. Theo tính toán của các cán bộ, chỉ riêng 96 tấm gỗ xẻ cây sao xanh cổ thụ được lâm tặc cưa theo quy cách để làm những bộ ngựa đã có giá trị gần 500 triệu đồng.
Sau khi xác định được khối lượng gỗ, trên đường về chúng tôi tạt vào một số chòi canh rẫy của dân ở gần tiểu khu 279 để tìm hiểu vụ việc, ông A Brây đang nghĩ trưa trong chòi dè dặt nói: “Mình không biết ai khai thác. Mình chỉ thấy hai người to, lớn tuổi (khoảng 50 tuổi) và một người trẻ. Họ làm hơn 1 tháng nay rồi. Người Kinh ở thị trấn Đăk Tô vào khai thác”. Ông A Hành cũng làm rẫy gần khu vực đó xác định, có 3 người Kinh ở thị trấn Đăk Tô vào khai thác gỗ, nhưng không biết rõ là ai.