Báo cáo mới từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc chỉ ra rằng các trận bão cát và bụi, một hệ quả ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, đang dẫn đến nhiều ca tử vong sớm, với hơn 330 triệu người tại 150 quốc gia bị ảnh hưởng.
Ngày thứ Bảy vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống Bão Cát và Bụi, đồng thời tuyên bố giai đoạn 2025 - 2034 là Thập kỷ Hành động toàn cầu về vấn đề này.

Các hạt bụi li ti trong không khí do bão bụi tạo ra góp phần gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Ảnh: The Report.
Chủ tịch Đại hội đồng Philemon Yang nhận xét: “Bão cát, bụi đang nhanh chóng trở thành một trong những thách thức toàn cầu bị xem nhẹ nhưng có tác động sâu rộng nhất. Nguyên nhân bắt nguồn từ biến đổi khí hậu, suy thoái đất và các hoạt động thiếu bền vững”.
Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cũng nhấn mạnh: “Bão bụi không chỉ là chuyện cửa sổ bẩn hay bầu trời mù mịt. Chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người, đồng thời gây tổn thất hàng triệu USD do gián đoạn giao thông đường bộ và hàng không, thiệt hại nông nghiệp và suy giảm sản lượng điện mặt trời”.
Theo ông Yang, các hạt bụi li ti trong không khí do bão bụi tạo ra góp phần gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Ngoài ra, chúng còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch, đồng thời khiến năng suất cây trồng giảm tới 25%, kéo theo nạn đói và làn sóng di cư.
Bà Laura Paterson - đại diện WMO tại Liên hợp quốc - cho biết: “Mỗi năm, khoảng 2 tỷ tấn bụi được thải ra, tương đương với trọng lượng của 300 Kim tự tháp Giza ở Ai Cập”. Hơn 80% lượng bụi trên toàn cầu bắt nguồn từ các sa mạc ở Bắc Phi và Trung Đông, tuy nhiên ảnh hưởng của chúng mang tính toàn cầu vì bụi có thể di chuyển hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km qua lục địa và đại dương.
Bà Rola Dashti, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Tây Á, cảnh báo thiệt hại kinh tế do bão cát, bụi là “khủng khiếp”. Theo bà, mỗi năm khu vực Trung Đông và Bắc Phi phải chi khoảng 150 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, để ứng phó với hiện tượng này.
Bà cho biết thêm, bụi từ sa mạc Sahara đã di chuyển tới tận Caribe và bang Florida (Mỹ). Riêng tại Mỹ, thiệt hại do bụi và xói mòn đất vào năm 2017 lên tới 154 tỷ USD, gấp bốn lần so với năm 1995, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature.
WMO và WHO cũng cảnh báo rằng gánh nặng về sức khỏe đang tăng nhanh. Giai đoạn 2018-2022, khoảng 3,8 tỷ người, tương đương gần một nửa dân số toàn cầu, đã phải sống trong môi trường có nồng độ bụi vượt ngưỡng an toàn do WHO khuyến cáo, tăng mạnh so với 2,9 tỷ người trong giai đoạn 2003-2007.