| Hotline: 0983.970.780

Xem phim "Thuỷ Hử" nghĩ về bốn chữ "Bức - Thướng - Lương - Sơn"

Thứ Hai 24/11/2008 , 08:00 (GMT+7)

Thuỷ Hử được coi là một trong “tứ đại kỳ thư” của văn học Trung Hoa, viết về cuộc khởi nghĩa nông dân ở tỉnh Sơn Đông...

Phim “Thuỷ Hử” của Trung Quốc, chuyển thể từ  tác phẩm cùng tên của Thi Nại Am, đang được Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC1) phát sóng (lúc 23 giờ từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần) được đông đảo khán giả đón xem...

Thuỷ Hử được coi là một trong “tứ đại kỳ thư” của văn học Trung Hoa, viết về cuộc khởi nghĩa nông dân ở tỉnh Sơn Đông do Tống Giang cầm đầu, quy tụ 108 anh hùng và hàng chục ngàn quân sỹ, hầu hết đều là “cùng dân”, chống lại triều đình nhà Tống, lấy bốn chữ “thay trời hành đạo” làm mục tiêu hành động và quy tụ nhân tâm. “Một bộ sách viết về 108 con người, nhưng không mở đầu bằng 108 người, mà lại mở đầu bằng chuyện triều đình. Thế tức là loạn từ trên loạn xuống…”.

Lời bình ấy của Kim Thánh Thán về "Thuỷ Hử" thật hay, thật thâm thuý, thật tinh tế và chính xác. Đó là giai đoạn cực kỳ suy yếu của triều đình nhà Tống. Vua u mê, hủ bại, vô cùng xa xỉ, quan lại thối nát, quyền chính triều đình lọt hết vào tay ba viên tham quan là Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu. Bên dưới chúng là đàn đàn lũ lũ tay chân, dựa thế chủ thả sức ức hiếp dân lành. Chỉ một chi tiết sau đây, đủ nói lên chuyện người dân bị bóc lột đến mức nào: Năm trước, con rể Sái Kinh là Lương Trung Thư tải về kinh đô 10 vạn lạng châu báu, vàng bạc để mừng sinh nhật bố vợ. Dọc đường bị cướp sạch không tìm ra manh mối. Thế mà chỉ năm sau, hắn lại tải tiếp về kinh đô 10 vạn lạng nữa.

Hãy điểm qua “lý lịch trích ngang” của Cao Cầu để thấy bộ mặt quan chức thời ấy: Xuất thân là một kẻ du đãng, lông bông, học hành không, chỉ nhờ chút tài mọn đá cầu, làm vui cho Đoan Vương mà sau khi Đoan Vương được lên nối ngôi (Huy Tông Hoàng đế) thì Cao Cầu một bước lên mây, được thăng tới chức Điện suý Thái uý, thiết lập Bạch hổ đường, cai quản quân đội trong cả nước. Với những viên quan như vậy thì đời sống của muôn dân, không nói cũng biết là cơ cực, xã hội ngột ngạt đến mức nào?

Các nhà làm phim "Thuỷ Hử" đã trung thành tuyệt đối với nguyên tác, thể hiện trọn vẹn chủ đề xuyên suốt nguyên tác. Đó là bốn chữ “Bức - Thướng – Lương – Sơn (buộc phải lên Lương Sơn)”. Hầu hết các hảo hán trong 108 hảo hán của Lương Sơn Bạc, trước khi lên Lương Sơn đều là những lương dân, hiếu tử, trung thành tuyệt đối với vua.

Tuy biết rõ triều đình hủ bại, mục nát…nhưng chừng nào còn chịu đựng được thì họ vẫn cố chịu. Nhưng nào họ có được yên thân? Không phải ai khác mà chính bọn quan lại bạo tàn, xênh xang áo mũ, miệng môi nhờn béo bằng tiền thuế của chính họ ấy, cuối cùng, đã dồn họ vào bước đường cùng, đã buộc họ phả lên núi "làm giặc". Trong "Thuỷ Hử", rất nhiều lần chúng ta gặp những tiếng kêu thống thiết: “Nay chúng nó làm ta có nhà mà không được ở, có nước mà không được về”, hay "không lên Lương Sơn Bạc thì đi đâu?".

Mở đầu là chuyện giáo đầu Vương Tiến phải cõng mẹ chạy trốn vì bị Cao Cầu trả thù. Rồi tiếp theo là giáo đầu Lâm Xung, chỉ vì vợ lọt vào mắt thằng con nuôi họ Cao mà vị giáo đầu võ nghệ siêu quần, hết lòng trung nghĩa phút chốc bị vu hãm, trở thành quốc phạm, bị đánh 40 gậy, thích chữ vào mặt đày xa hai ngàn dặm. Đi đày nhưng vẫn bị Cao Cầu sai người hai ba phen theo đến tận nhà tù hãm hại, ở nhà, vợ bị bức tử, bố vợ đâm uất ức mà chết.

Hai anh em Giải Trân, Giải Bảo tuân lệnh quan phủ, suốt mấy đêm không ngủ, rình rập trong rừng trừ thú dữ bảo vệ nhân dân, đã bắn bị thương một con hổ, khiến hổ nhẩy vào vườn nhà Mao Thái công, một tên cường hào trong vùng, có con rể làm thư lại trong phủ. Chỉ vì muốn chiếm đoạt con hổ, tên cường hào không ngần ngại vu cho hai chàng thợ săn lương thiện vào nhà hắn cướp cọp, gọi lính phủ vào, bắt họ đóng gông giải phủ, tra tấn tàn nhẫn buộc họ phải nhận tội, tìm cách thủ tiêu họ “cho hết hậu hoạ”.

Đến như Sài Tiến, vốn dòng dõi vua Đại Chu, đã được triều đình nhà Tống ban cho “thư son khoán sắt” làm bằng về việc được nhà nước bảo hộ, mà bọn quan lại cũng không tha. Bị em vợ của tri phủ Cao Liêm là Ân Thiên Tích cướp nhà, chú Sài Tiến là Sài Hoàng Thành uất ức mà chết, Sài Tiến bị giam dưới lòng giếng sâu. Rồi thì Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Thi Ân…mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều giống nhau ở chỗ đều là “dân oan”, kêu trời không thấu nên không hẹn mà cuối cùng đều gặp nhau ở Lương Sơn…

Xem thêm
Sân Quy Nhơn mở cửa tự do 3 vòng đấu giải vô địch quốc gia

Công ty CP Thể thao MerryLand Quy Nhơn Bình Định mở cửa tự do sân Quy Nhơn 3 vòng đấu cuối giải vô địch quốc gia LPBank V.League 2024-2025 diễn ra tại Bình Định…

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

36 hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển

KHÁNH HÒA Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển năm 2025 được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 7/6 - 9/7 với 36 sự kiện văn hóa, thể thao và nghệ thuật đặc sắc.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.