| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới bền vững nhờ phát huy nội lực

Chủ Nhật 15/06/2025 , 19:40 (GMT+7)

Bên cạnh những hỗ trợ đầu tư từ Trung ương, tỉnh Yên Bái đã huy động người dân chung sức góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chương trình xây dựng NTM tại tỉnh Yên Bái đã thu được nhiều 'trái ngọt' nhờ phát huy sự đóng góp trong nhân dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Chương trình xây dựng NTM tại tỉnh Yên Bái đã thu được nhiều "trái ngọt" nhờ phát huy sự đóng góp trong nhân dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong bản đồ xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước, tỉnh Yên Bái đang nổi lên như một điểm sáng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Vượt qua xuất phát điểm của một tỉnh còn nhiều khó khăn, Yên Bái đã viết nên câu chuyện diệu kỳ về sự “thay da đổi thịt” của những miền quê, bằng những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo và trên hết là sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân.

Những “trái ngọt” từ hành trình xây dựng NTM

Nhìn vào những con số thống kê, có thể cảm nhận rõ nét sức bật mạnh mẽ của tỉnh Yên Bái trên hành trình xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 115/146 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 78,76%. Không chỉ dừng lại ở số lượng, chất lượng chương trình cũng liên tục được nâng cao với 39 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Huyện Trấn Yên được công nhận huyện NTM đầu tiên của cả vùng Tây Bắc vào năm 2019, giờ đây Trấn Yên đã vươn mình đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, một thành tích vượt cả kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hoàn thành xuất sắc mục tiêu Nghị quyết của tỉnh.

Với sự góp công, góp của của hàng ngàn hộ dân đã góp phần nâng cao các tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Ảnh: Thanh Tiến.

Với sự góp công, góp của của hàng ngàn hộ dân đã góp phần nâng cao các tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngay trong quý I của năm 2025, bức tranh NTM của Yên Bái lại được tô điểm thêm những gam màu tươi sáng khi công nhận thêm 2 xã vùng đặc biệt khó khăn với đa số là đồng bào Mông sinh sống là Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải). Đây không chỉ là những con số, mà là minh chứng cho một sự thay đổi toàn diện, sâu sắc, hình thành nên nhiều miền quê đáng sống, nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Để hiểu rõ hơn về “công thức thành công” của Yên Bái, chúng tôi tìm về Nậm Khắt, một xã vùng cao vừa cán đích NTM. Không khí vui mừng, tự hào bao trùm khắp các bản làng bởi sau 15 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, Nậm Khắt đã trở thành địa phương đầu tiên của huyện Mù Cang Chải hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Đây là một kỳ tích thật sự, bởi Nậm Khắt vốn là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, với trên 93% dân số là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao, và cơ sở hạ tầng thiếu thốn.

Người dân Nậm Khắt trồng cây xanh tạo cảnh quan. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân Nậm Khắt trồng cây xanh tạo cảnh quan. Ảnh: Thanh Tiến.

Với sự quyết tâm và cách làm bài bản, xã đã huy động được tổng nguồn lực lên tới gần 600 tỷ đồng để xây dựng các tiêu chí NTM. trong đó có gần 80 tỷ đồng do chính người dân đóng góp. Ngoài ra, người dân còn tự nguyện hiến hơn 12.400 m2 đất để làm đường. Sức mạnh của sự đồng thuận đã biến những con đường đất lầy lội xưa kia thành đường bê tông phẳng phiu, sạch sẽ.

Quan trọng hơn, tư duy sản xuất của người dân đã có sự chuyển biến mang tính cách mạng. Bà con đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng 76 ha hoa hồng và 30 ha rau củ quả các loại, hình thành nên những cánh đồng đầy màu sắc với giá trị kinh tế cao. Hơn 120 mô hình chăn nuôi quy mô lớn từ trâu, bò, dê đến các loại cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi đã được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trong xã đã đạt trên 46 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh xuống dưới 12%.

Nhiều mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được áp dụng vào sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được áp dụng vào sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, không giấu được niềm xúc động: "Xuất phát điểm rất thấp, nhưng xã đã xác định mục tiêu cụ thể, rõ ràng, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi thực hiện và phát huy có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, lồng ghép với các nguồn vốn hợp pháp khác. Hạ tầng từng bước được đầu tư, cơ cấu kinh tế được chuyển đổi phù hợp với lợi thế địa phương, gắn sản xuất với liên kết đầu ra bền vững. Và điều đặc biệt quan trọng là làm thay đổi, tạo sự chuyển biến trong tư duy nhận thức, tập quán sản xuất của bà con. Người dân đã biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể”.

Tiếp tục hành trình đến những miền quê đáng sống

Câu chuyện của Nậm Khắt không phải là cá biệt, mà là hình ảnh thu nhỏ của cả tỉnh Yên Bái. “Chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa thành công chính là việc phát huy dân chủ và huy động sức mạnh từ chính người dân.

Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đi vào thực chất như “Ngày thứ Bảy cùng dân”, “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiêp”, “Lắng nghe dân nói”, hay các mô hình xây dựng văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường... đã không còn là khẩu hiệu. Ở đó, cán bộ xắn tay áo cùng làm với dân, lắng nghe tâm tư, tháo gỡ vướng mắc. Vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng được phát huy tối đa, tạo nên sợi dây kết nối bền chặt, biến chủ trương của Đảng và Nhà nước thành hành động tự giác của mỗi người.

Người dân huyện Văn Yên chung sức mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân huyện Văn Yên chung sức mở rộng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thanh Tiến.

Gặp chúng tôi bên con đường hoa rực rỡ, ông Hoàng Thanh Nghị, một người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình, phấn khởi nói: "Chúng tôi nhận thức được rằng việc xây dựng NTM không là việc của riêng ai, mà đã trở thành phong trào sâu rộng nên thời gian qua ai cũng tích cực góp công, góp của để chung tay xây dựng NTM. Chúng tôi rất phấn khởi bởi bức tranh làng quê Đại Minh đã thêm nhiều sắc màu rực rỡ, đầy sức sống, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.”

Huyện Lục Yên dựng bia tri ân nhân dân góp sức, hiến đất làm đường. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện Lục Yên dựng bia tri ân nhân dân góp sức, hiến đất làm đường. Ảnh: Thanh Tiến.

Yên Bái xác định xây dựng NTM là một hành trình liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm dừng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Trọng tâm là lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển hạ tầng đồng bộ kết nối nông thôn - đô thị, và đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Hành trình xây dựng NTM ở Yên Bái là minh chứng sống động cho thấy khi ý Đảng hợp với lòng dân, khi mỗi người dân đều cảm thấy mình là chủ thể, thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Những miền quê đáng sống đang ngày một nhiều thêm trên mảnh đất này, thắp lên niềm tin và hy vọng về một tương lai ấm no, hạnh phúc.

Xem thêm
Cơ cấu lại nông nghiệp, dựng xây nông thôn bền vững ở Bắc Kạn

Bắc Kạn Chuyển động bền bỉ chính từ nội lực ở từng thôn, bản giúp nông nghiệp Bắc Kạn chuyển mình, nông thôn ngày càng giàu đẹp.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

OCOP Tây Ninh kết tinh văn hóa bản địa, phát triển du lịch

Sản phẩm OCOP Tây Ninh kết tinh từ văn hóa bản địa, đang trở thành cầu nối giữa nông thôn và du lịch, góp phần làm giàu sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống.

Bình luận mới nhất