Đã có hàng ngàn tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng trong văn học Việt Nam chỉ có duy nhất "Búp sen xanh" là tiểu thuyết viết về Người và nhà văn Sơn Tùng trở thành hiện tượng trong văn học Việt Nam, với đỉnh cao là sự ra đời "Búp sen xanh" năm 1981, thể hiện thành công nhất đề tài lãnh tụ Hồ Chính Minh. Nhà văn Sơn Tùng
Hương Búp sen xanh
Trong Búp sen xanh, nhà văn đã dựng lên hình tượng Bác Hồ từ khi được sinh ra đến khi rời Bến nhà Rồng tìm đường cứu nước, đã để lại dấu ấn cho biết bao tâm hồn Việt Nam. Với Búp sen xanh, bạn đọc "thấy cây và thấy cả rừng, thấy quả và thấy cả nhân, thấy cái vĩ đại nhưng cũng thấy cả những nét bình thường, gần gũi của Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam". Đó chính là sự thành công của nhà văn Sơn Tùng.
Búp sen xanh trở thành cuốn sách gối đầu giường và trở thành tấm gương soi chiếu vào mọi ý nghĩ, mọi việc làm, góp phần hình thành nên nhân cách con người Việt Nam. Tạc tượng thánh trong các trang sách thánh, hơn một phần tư thể kỷ ấn hành, Búp sen xanh đã lan tỏa hương thanh cao ngát thơm giữa cuộc đời, trở thành cuốn sách sinh động nhất có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc về thời thơ ấu và thời thanh niên của Bác Hồ.
Búp sen xanh cũng trở thành một trong những cuốn sách đạt lượng ấn bản kỷ lục ở nước ta, với số lượng trên nửa triệu bản, qua hơn 20 lần tái bản, được đưa vào tủ sách vàng của NXB Kim Đồng, được dịch sang 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Lào. Tác phẩm trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sỹ, nhạc sỹ và nhà nghiên cứu sáng tác ca khúc, chuyển thể thành truyện tranh, truyện thơ, kịch bản sân khấu, kịch bản phim lịch sử...
Nghị lực phi thường
Sinh năm 1928, tại làng Hoa Luỹ, Diễn Châu (Nghệ An), trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống "trọng chữ hơn trọng miếng ăn". Năm 1941, chàng Sơn Tùng 16 tuổi, tràn đầy nhiệt huyết, đeo ba lô hoà vào dòng chảy của cơn lốc cách mạng. Sau giải phóng Thủ đô, Sơn Tùng vào học tại Trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961, ông về viết cho báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của báo Tiền phong. Năm 1967, ông được điều vào Nam thành lập và phụ trách tờ Thanh niên giải phóng.
Tác giả Nghiêm Thị Hằng thăm nhà văn Sơn Tùng |
Biến cố xảy ra. Năm 1971, ông bị thương nặng và rời chiến trường miền Nam mang trên mình 14 vết thương, 3 mảnh đạn còn găm trong sọ não. Nửa người bên phải hầu như bị liệt, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, mắt bên phải bị mờ. Ông được đưa sang Trung Quốc chữa bệnh và được vào viện điều dưỡng 3 năm liền. Sau đó ông xin về nhà và luyện khí công. Với nghị lực phi thường, ông khổ luyện từ 2h sáng tới 8h tối, sức khoẻ ông dần dần bình phục. Trí nhớ cũng hồi phục dần.
Khi tay phải duỗi ra được, chân tập tễnh bước thấp bước cao, Sơn Tùng đã lao vào công việc. Với sự cố gắng phi thường, bất chấp bệnh tật, vết thương đau nhói hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, từ năm 1974 đến 1990, ông đã cho ra đời 13 cuốn sách bằng tay phải chỉ còn 3 ngón co quắp.
Bằng những chuyến đi không mệt mỏi, những cuộc tìm kiếm kiên trì, cuối cùng ông đã gặp được bà Lê Thị Huệ để rồi từ những câu chuyện với bà Huệ ở tuổi 80, ông đã tái dựng lại một trong những quãng đời gian khó nhưng đẹp đẽ và thơ mộng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính lối đi riêng của Sơn Tùng, không lẫn với bất cứ ai. Giáo sư Phan Ngọc nhận xét: "Sơn Tùng có phong cách của Tư Mã Thiên, gặp bất cứ sự kiện gì cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn tại nơi xảy ra và hỏi những người chứng kiến, viết theo những đòi hỏi của trái tim người nghệ sĩ".
Cũng chưa có một nhà văn nào có cuộc sống khó khăn nhưng có nghị lực phi thường vươn lên như nhà văn thương binh Sơn Tùng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Tôi được biết đồng chí Sơn Tùng phải luyện tập 11 năm mới có thể tự ngồi dậy và đi không phải người dìu, bút cột vào ngón tay mới viết được. Đó là một con người có nghị lực, có chí hướng cách mạng, một đảng viên trung kiên. Tôi cho anh là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Còn đối với riêng tôi, anh là một người bạn chí thiết…". |
Nắm lấy bàn tay cầm bút bị thương còn có 3 ngón, cúi xuống nhìn sâu thẳm vào đôi mắt nhà văn, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói: “Anh Sơn Tùng ơi, tôi rất xúc động khi nghe tin anh bị tai biến. Các bác sỹ nói với tôi, sức khoẻ của anh hôm nay đã tốt lên nhiều rồi. Anh phải cố gắng lên. Ngày xưa bom đạn Mỹ quật anh đến thế, mà anh vẫn vượt qua, bệnh tật này nghĩa lý gì, anh cố gắng lên”. Nhà văn dù chưa nói được nhưng ông gật gật đầu đồng cảm và hai người lại xiết tay nhau.
Cuối năm 2010, nghe tin nhà văn Sơn Tùng từ bệnh viện chuyển về nhà, tôi đến thăm ông ở nhà riêng ngõ Văn Chương (Hà Nội). Dạo ấy nhà văn yếu lắm và tưởng khó lòng vượt qua định mệnh. Nhờ nghị lực phi thường, nhờ sự tận tâm giúp đỡ của gia đình vợ con và bạn bè yêu quý, lại một lần nữa ông vượt qua mệnh tử.
Vào ngày đại lễ 30/4 năm nay, lương y Võ Hoàng Yên (Cà Mau) đồng ý chữa bệnh cho nhà văn, với vài động tác rất đơn giản, lương y dùng tay kéo lưỡi và phát tay rất mạnh vào cột sống nhà văn Sơn Tùng. Không ngờ sống lưng ông ngay thẳng và ông ngồi được trên nghế dài bằng gỗ không cần người đỡ, tuy chưa ngồi thẳng lưng được. Và ngay sau đó tiếng nói của nhà văn cũng có phần rõ ràng hơn.
Có thể nói đây là một kỳ tích đáng kinh ngạc, vì trước đó cột sống nhà văn bị vặn lệch do di chứng tai biến não, do đó ông chỉ ngồi được trong xe lăn, hoặc ngồi trên giường có tay vịn hay có người đỡ và giọng nói bị méo…Nghe tin sức khỏe nhà văn Sơn Tùng hồi phục nhanh nhờ gia đình, các bác sĩ cùng lương y Võ Hoàng Yên chữa trị, tôi lại đến thăm nhà văn tại nhà riêng của ông vào dịp sinh nhật Hồ Chủ tịch năm nay. Nhà văn đã ngồi thẳng lưng trên chiếc xe lăn, giọng nói rõ hơn và ông nhận ra khách đến thăm là ai.
Bà Hồng Mai, vợ nhà văn Sơn Tùng, loay hoay điều chỉnh cho máy điều hòa đủ mát cho căn phòng chật chội 21 m2. Bà nói: “Nhà vừa lắp xong máy điều hòa nhiệt độ, bấy nhiêu năm khổ quá, ông ấy chịu nóng nôi và bệnh tật”. Nhìn căn phòng nhỏ 21 m2 cũ kỹ đã xuống cấp với thời gian, tôi hỏi nhà văn có được phân căn hộ nào khác không? Anh Sơn Định, con trai nhà văn, nói: “Mẹ tôi được phân nửa gian nhà 9 m2, chật chội quá nên gia đình tôi bán đi và gom thêm tiền để mua được căn phòng 21 m2 này"...
Cả đời là sự phấn đấu hết mình, vượt qua thương tật hiểm nghèo, vượt qua thiếu thốn, vượt qua những hạn hẹp của những nếp nghĩ một thời để sống và viết, nhà văn Sơn Tùng đã sống đẹp để có những trang viết đẹp, với một tâm niệm “hành thiện cả một đời vẫn chưa đủ", đó cũng là đạo lý là khí phách của nhà văn Sơn Tùng với cuộc đời, xanh mãi với Búp sen xanh.