| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng sống với nhau chỉ vì trách nhiệm

Thứ Ba 17/06/2008 , 08:30 (GMT+7)

Chị Dạ Hương kính! Em là một cán bộ công chức đã có gia đình và sinh được một bé trai hơn 1 tuổi. Mọi người nhìn vào ai cũng nghĩ gia đình em hạnh phúc (chồng làm việc, vợ làm việc, có nhà, có tiện nghi, ấm áp), nhưng chị ơi, ai hiểu được cho em.

Lương vợ chồng gom lại gần được 2 triệu, phải lo đủ thứ nhưng điều em muốn nói ở đây không phải là sự thiếu thốn mà là chồng em không yêu em. Có lẽ hiện giờ anh chung sống với em chỉ là trách nhiệm dành cho con còn tình thương thì không còn nữa.

Trước khi cưới, gia đình anh không hề mua cho em thứ gì, cũng không thấy vàng cưới, tất cả là do em và anh ấy dành dụm mà có. Lúc đó anh bảo em thật quá thiệt thòi, em lại bảo không có gì, miễn sao chúng mình hạnh phúc vì gia đình anh khó khăn. So với nhiều người con gái khác, em nghĩ mình vậy là hạnh phúc lắm rồi. Cuộc đời như dòng sông chảy không ngừng, em đi làm phải đem cơm theo để rồi bị người trong cơ quan chê cười, em không màng, em không là kẻ xấu là được. Và nhiều chuyện khác nữa. Bao nhiêu chuyện buồn em tâm sự với chồng, anh không hề khuyên lơn, lại còn bỏ đi. Anh sống chu đáo với con, không bê tha không nhậu nhẹt nhưng không hề dành cho em sự quan tâm nào.

Em và anh sống gần bên nhà em, chị biết không, nhiều khi cha mẹ em hỏi anh cũng không thèm trả lời, em có vặn hỏi cũng nạt nộ. Dần dần vợ chồng đi làm về không ai nói với ai câu nào. Riêng em quen nhịn, riết rồi em cũng thấy mất đi lòng tự trọng. Anh không tôn trọng cha mẹ em và cả em mà em không biết vì lý do gì. Có phải là em vô dụng lắm không? Em không se sua, chỉ biết tiết kiệm và chu đáo với chồng, đi làm về là tất bật việc nhà, vậy mà… Có phải em chưa làm tốt vai trò người vợ không chị?

                                                                       Cho phép em giấu tên và địa chỉ

Em thương mến!

Có thể thấy rõ nhiều nguyên nhân rất điển hình của xã hội mình khiến các em lục đục nhau.

Thứ nhất, do quan niệm cưới xin nhà chồng phải cho lễ cưới bằng vàng và tiền bạc. Chị rất dị ứng với chuyện này nên chị nhìn thấy ngay mâu thuẩn âm ỉ dù em vẫn bảo em không kêu ca gì. Chị cho rằng đó là thứ tập tục lạc hậu, dứt khoát đó không phải là nét đẹp văn hoá, không phải là bản sắc dân tộc, nếu duy trì mãi thì nó thành hủ tục chứ không là tập tục nữa. Không hiểu sao cái gọi là bản sắc phương Đông cứ làm khổ mãi con người như vậy. Như ở Ấn Độ, biết bao cô gái vì cha mẹ nghèo không có của hồi môn mà không lấy được chồng. Các em đã tự lực tiền bạc để lo đám cưới cho mình, đáng lẽ điều đó phải thành niềm tự hào niềm kiêu hãnh thế nhưng khi buồn nhau, chuyện ấy lại cồn lên trong lòng khiến cứ tủi thân mãi. Do đâu? Như đã nói, do dư luận, do sức ép, do phản xạ của tâm lý mà các nhà xã hội học gọi là phản ứng bản năng của văn hoá.

Thứ hai, cũng cùng hệ thống tâm lý "đàn ông ở rể như chó nằm gầm chạn". Chị đã từng thấy những người phương Tây làm rể VN nhưng họ không bị xem thường. Vì sao? Vì họ không ỷ lại, không hay nhờ vả như gửi con và phó thác con cho nhà ngoại, họ chăm chỉ kiếm tiền để được độc lập với bên vợ. Còn đàn ông mình thì rất hay xù cái sĩ diện lên mà sâu xa lại gia trưởng, lại ra cái điều không thèm dựa dẫm nhưng hành vi thì lại ngấm ngầm thụ hưởng sự chăm nom bao bọc của nhà vợ. Thế là lâu ngày mâu thuẫn phát sinh, nhà vợ bắt đầu kêu ca chàng rể ăn bám còn chàng rể thì giương cái chí khí rởm của đàn ông lên bằng cách lảng đi, phó thác, bỏ mặc. Không nuôi nổi vợ con, không đem họ đi ở riêng được mà cũng không hàm ơn nhà vợ, cứ thế, một cuộc chiến tranh lạnh khủng khỉnh kéo dài, không có hồi kết.

Thứ ba, thu nhập chỉ gần 2 triệu thì các em không thể nào có hạnh phúc đích thực nếu hai vợ chồng không nằm lòng câu hát "Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Lẽ nào vợ đi làm rồi về nhà với bao nhiêu bổn phận mà vẫn còn cơm bưng nước rót cho chồng? Nếu không như vậy thì đàn ông nhà mình bắt bẻ và thế là đi tìm bạn, tìm rượu và cuối cùng sa vào cái bếp nhà người khác.  

Có hiểu được hết tâm lý của đàn ông đàn bà và tâm lý xã hội đang bao bọc chúng ta thì chúng ta mới an bằng, vừa chịu đựng vừa tranh đấu để ngoi dần lên. Chị cũng trải qua hết những giai đoạn khó khăn như của em và rồi có những tổng kết từ quy luật đã phân tích ở trên. Mong em kiên nhẫn, khoan hoà, khéo léo và cả dũng cảm để cầm trịch gia đình nhỏ của mình. Bởi vì đàn bà VN là nội tướng, là tay hòm chìa khoá, là chính uỷ và luôn tiềm tàng phẩm chất cầm trịch gia đình.

Xem thêm
Thuốc giảm cân có thể ngăn ngừa ung thư liên quan đến béo phì

Nghiên cứu mới ở Hoa Kỳ cho thấy nhóm thuốc GLP-1 không chỉ giảm cân mà còn làm giảm nguy cơ ung thư liên quan đến béo phì, đặc biệt ở nữ giới.

Người tiêu dùng thông minh và nhà sản xuất thông thái

Người tiêu dùng thông minh dường như là một mỹ danh hơi khiên cưỡng, nếu cộng đồng không có hành động cần thiết để hình thành những nhà sản xuất thông thái.

Sản nghiệp riêng sa sút làm sao góp tài sản chung hôn nhân?

Sản nghiệp riêng của mỗi người luôn là một yếu tố đáng cân nhắc kỹ lưỡng, khi mong muốn có được cuộc hôn nhân thực sự xứng đôi vừa lứa.

Bệnh tim mạch không còn nguy hiểm với người hiểu biết

Bệnh tim mạch từng được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, bây giờ, mọi thứ đang thay đổi.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất

Bình luận mới nhất