Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Senegal của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, chiều 22/7 tại Thủ đô Dakar (Senegal), Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Nước sạch Cheikh Tidiane Dieye về hợp tác thuỷ lợi và quản lý nguồn nước.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu từ Bộ trưởng và các đối tác Senegal, nhấn mạnh chuyến thăm thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác thực chất với các quốc gia châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực nguồn nước và phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi chung quanh những vấn đề cùng quan tâm, đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm mở rộng không gian hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thủy lợi và nguồn nước.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Nước sạch Cheikh Tidiane Dieye trao đổi bên lề chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Senegal. Ảnh: ICD.
Là đất nước có truyền thống lúa nước lâu đời, trải qua hàng trăm năm, người Việt đã biết cách khai thác, quản lý nguồn nước hiệu quả, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn và chi phí hợp lý trong xây dựng, vận hành hệ thống cấp nước nông thôn, xử lý nước ngầm nhiễm mặn, nước mưa
Theo Phó Thủ tướng, biến đổi khí hậu đặt ra thách thức không nhỏ để nông dân thích ứng điều kiện thực tế, “sống chung với lũ” ở các vùng đồng bằng lớn của Việt Nam.
Vì vậy, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Senegal trong lĩnh vực quy hoạch thủy lợi, quản lý nguồn nước, xây dựng và triển khai dự án, đào tạo nâng cao năng lực… theo mô hình hợp tác song phương hoặc hợp tác ba bên.
“Chúng tôi có thể chuyển giao công nghệ và hỗ trợ Senegal phát triển các mô hình sử dụng nước tiết kiệm như tưới luân phiên trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ lọc nước đơn giản, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện vùng sâu, vùng xa.
Về lĩnh vực đào tạo, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi chuyên gia, sinh viên, cử chuyên gia Việt Nam sang hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn và tổ chức nghiên cứu chung, chia sẻ dữ liệu, vận hành hệ thống giám sát và cảnh báo nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng cho biết.
Lãnh đạo Chính phủ cũng khuyến khích kết nối doanh nghiệp hai nước thông qua các diễn đàn hợp tác về nông nghiệp, thủy lợi, xử lý nước, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam sang Senegal khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Nước sạch Senegal cùng các thành viên hai nước dự cuộc làm việc. Ảnh: ICD.
Chia sẻ cách tiếp cận của Senegal, Bộ trưởng Cheikh Tidiane Dieye khẳng định, ngành thủy lợi và nước sạch là một trong những trụ cột chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước này.
Tuy nhiên, quốc gia Tây Phi đối mặt với nhiều thách thức lớn do tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng, gây áp lực nặng nề lên hệ thống hạ tầng hiện có. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nước sản xuất ngày càng trầm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, cũng như năng lực tài chính hạn chế và chênh lệch phát triển giữa khu vực đô thị và nông thôn.
“Với tiềm năng về thủy văn và năng lượng mặt trời dồi dào, Senegal có nhiều cơ hội để phát triển các giải pháp đảm bảo nguồn cung nước, đồng thời giảm chi phí và hạn chế tác động môi trường”, Bộ trưởng Dieye nhấn mạnh. “Tôi mong muốn hai nước sớm thiết lập đối tác về lĩnh vực thủy lợi và chia sẻ kinh nghiệm quản lý nguồn nước; qua đó học hỏi lẫn nhau để nâng cao năng lực quản trị nguồn nước xuyên biên giới".
Lắng nghe chia sẻ từ phía nước bạn, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm đầu mối điều phối, thiết lập nhóm công tác song phương trong lĩnh vực thủy lợi và quản lý nước, phối hợp với các cơ quan liên quan của Senegal để cụ thể hóa các nội dung hợp tác.
Bên cạnh đó, nhóm công tác Nam-Nam của Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét đề xuất đưa hợp tác với Senegal vào kế hoạch vận động tài trợ ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam. Hai bên nhất trí sớm chỉ định đầu mối liên lạc để cùng xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể trình lên Chính phủ hai nước.