
Lễ tiễn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: TTXVN.
Sáng 22/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam lên đường thăm chính thức Cộng hòa Senegal, Vương quốc Morocco. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội sẽ tham gia Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 6, đồng thời tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ.
Chuyến đi được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Senegal El Malick Ndiaye, Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi Alami, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.
Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân là đoàn đại biểu gồm các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà; Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Lê Quang Mạnh; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Trường Thắng; Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Trần Quốc Tỏ.
Tham gia đoàn công tác còn có các Đại sứ Việt Nam tại các nước liên quan, cụ thể: Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Trần Quốc Khánh; Đại sứ Việt Nam tại Morocco Lê Kim Quy; Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva Mai Phan Dũng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cùng tham gia Đoàn.
Đây là chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thụy Sĩ và cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam tới Morocco sau sáu năm và tới Senegal kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chuyến công tác có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với các đối tác Senegal, Morocco và Thụy Sĩ; đồng thời mở rộng hợp tác với các khu vực châu Phi và châu Âu. Đây cũng là dịp để Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, thúc đẩy hợp tác đa lĩnh vực, trong đó có kênh nghị viện; thu hút nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển quốc gia; góp phần nâng cao hình ảnh và vai trò của Việt Nam cũng như Quốc hội trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Thế giới khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thể hiện rõ vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quốc hội Việt Nam đang thể hiện sự chủ động, tích cực hội nhập, đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU, Liên Hợp Quốc và các cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu.