Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 28 - 29/4, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Cham Nimul hội đàm và ký kết Bản Thỏa thuận Thúc đẩy Thương mại song phương giai đoạn 2025–2026 với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Hai bên ký thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2025 - 2026. Ảnh: MOIT.
Hai bên xác định rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hạ tầng logistics và phát triển mạng lưới phân phối tại khu vực biên giới, nhằm tạo động lực mới cho lưu thông thương mại giữa hai nước. Đồng thời, chuyển nhanh, chuyển mạnh thương mại tiểu ngạch sang chính ngạch; phối hợp quyết liệt đấu tranh với tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại ở khu vực biên giới hai nước;
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dù kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt khoảng 10,1 tỷ USD, tăng 17,5% so với năm 2023, nhưng tiềm năng thực tế còn rất lớn và chưa được khai thác hiệu quả.
Nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông kết nối còn yếu, dịch vụ logistics xuyên biên giới chưa đồng bộ, thiếu trung tâm logistics và kho bãi hiện đại tại khu vực cửa khẩu. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc tại một số cửa khẩu lớn, chi phí vận chuyển cao và thời gian làm thủ tục kéo dài đang là những rào cản lớn kìm hãm sự phát triển.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng chỉ ra, một số quy định kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch động thực vật và thủ tục hải quan giữa hai bên còn thiếu hài hòa, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Khá nhiều mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia vẫn gặp vướng mắc về giấy phép lưu hành và chứng nhận tiêu chuẩn địa phương.
Bộ trưởng Cham Nimul khẳng định, Campuchia mong muốn cùng Việt Nam giải quyết các điểm nghẽn này, thông qua tăng cường chia sẻ thông tin về quy chuẩn, cải tiến quy trình cấp phép, đẩy nhanh áp dụng cơ chế “Một cửa quốc gia”, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hải quan song phương.
Campuchia cũng đề xuất Việt Nam hỗ trợ xây dựng trung tâm logistics mẫu tại khu vực biên giới. Cùng với đó, đào tạo nguồn nhân lực vận hành logistics, nhằm tạo nền tảng thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Tại hội đàm, hai bên thống nhất thành lập Nhóm công tác chung về logistics và phân phối hàng hóa biên giới, tổ chức họp định kỳ để rà soát tiến độ triển khai các dự án hạ tầng, nâng cấp cặp chợ biên giới, khu kinh tế cửa khẩu.
Việt Nam và Campuchia cam kết phối hợp đẩy mạnh kết nối thương mại điện tử xuyên biên giới, triển khai thanh toán điện tử, từng bước xây dựng hệ sinh thái logistics thông minh, hiện đại và liên thông giữa hai nước.
Việc ưu tiên hoàn thiện logistics và mạng lưới phân phối không chỉ giúp tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao thương, mà còn góp phần củng cố chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho khu vực biên giới.
Đây được xem là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 20 tỷ USD vào năm 2030 mà lãnh đạo hai nước đã đề ra.
Trong quý I/2025, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 3,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD (tăng 9,3%) và nhập khẩu đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%). Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia trên thế giới, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, còn Campuchia là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN.
Việt Nam và Campuchia đều là thành viên ASEAN, cùng tham gia các hiệp định như ACFTA, ATIGA, RCEP, CPTPP, nhưng khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ trong thương mại song phương còn thấp.
Doanh nghiệp hai bên còn gặp khó khăn trong đáp ứng yêu cầu chứng nhận xuất xứ, khiến chi phí xuất nhập khẩu tăng cao hơn mức cần thiết. Ngoài ra, thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia còn nhiều giao dịch phi chính thức, gây thất thu thuế cho hai nước.