Từng là vùng đất hoang hóa sau chiến tranh, Bời Lời - Tây Ninh đã hồi sinh ngoạn mục để trở thành 'thủ phủ chuối sạch' xuất khẩu triệu đô. Tuy nhiên, những trang trại bạc tỷ có nguy cơ bị xóa sổ, một nông dân xuất sắc đang phải cầu cứu vì nửa đời người gắn bó với đất giờ
lại đứng trước nguy cơ trắng tay vì quyết định thu hồi đất nhưng không được đền bù.
Hai lần nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phong tặng. Cả cuộc đời gắn liền cùng với đất, với vô số danh xưng như: Người mê đất, Huy “mía”, Huy “tôm”, Huy “bò”, “vua chuối”…Sinh thời GS Võ Tòng Xuân cũng từng gọi ông là Nông dân số 1 Việt Nam Vậy mà bây giờ, ở tuổi 70, ông Võ Quan Huy lại đang phải cầu cứu khắp nơi bởi những đắng cay từ đất.
PHỎNG VẤN ÔNG ÚT HUY: Đời tôi làm nông nghiệp từ hồi năm 1979, tôi đi kiếm những người có đất để rủ hợp tác trồng chuối. Khi đó tôi lên tới Tân Đông, tôi thành lập một cái hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất trái cây xuất khẩu.
Cái suy nghĩ của tôi khi tôi làm cái hợp tác xã, để cùng nhau làm với những người dân ra được những sản phẩm có giá trị, có thị trường. Mình cũng kì vọng trồng chuối, trồng sầu riêng, trồng bưởi xuất khẩu, tại nhận định thị trường của tôi là đi theo hướng đó.
Người đàn ông này – ông Võ Quan Huy, hay còn gọi là Út Huy đã gắn bó hơn 50 năm với ngành nông nghiệp. Ông được mệnh danh là “Vua chuối”, với tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm, ông là người đầu tiên đem giống chuối Nam Mỹ canh tác theo mô hình công nghệ cao giữa cánh đồng rộng hàng trăm héc-ta trên vùng đất Nông trường Bời Lời (xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).
Với 80ha chuối, cho sản lượng hơn 60 tấn/tuần, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, Bời Lời từng là niềm tự hào, nhưng đến nay tất cả đang có nguy cơ bị chấm dứt chỉ vì một vụ tranh chấp đất đai kéo dài hơn 20 năm.
Trang trại ông Võ Quan Huy được xây dựng trên vùng đất có hợp đồng thuê từ năm 1992 với điều kiện khi hết hạn hợp đồng sẽ được ưu tiên thuê tiếp.
Thế nhưng từ năm 2004, Nông trường Bời Lời đã đòi đất và đến năm 2008 ông Huy và một số người khác lại tiếp tục bị Công ty Cao su 30/4 Tây Ninh kiện ra tòa đòi trả lại đất và không đền bù công khai phá. Dù nhiều lần khiếu nại, nhưng vụ việc vẫn rơi vào im lặng. Năm 2024, tỉnh Tây Ninh quyết định cưỡng chế.
PHỎNG VẤN ÔNG ÚT HUY: Tôi nghĩ tôi làm cái này là nó đúng chủ trương chứ không sai chủ trương, nhưng mà rất tiếc là không được ủng hộ. Tôi phải ngừng phát triển ở Tây Ninh và đang kêu cứu để hưởng đúng chính sách của Nhà nước. Trồng cây gì thì phải bồi thường tôi cây đó và công tôn tạo, gìn giữ đất tới đâu tính tới đó vì tôi chỉ muốn vậy.
Đất Bời Lời có nguy cơ bị thu hồi trắng, năm 2019, ông Út Huy mở đường đưa cây chuối lên vùng Tân Đông, huyện Tân Châu, nơi từng là vùng đất hoang hóa sau chiến tranh biên giới Tây Nam.
Tại đây, ông cùng những người dân như ông Mười Trừ quyết tâm giúp “hồi sinh” vùng đất bằng mô hình chuối công nghệ cao, đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Kỳ vọng biến vùng đất biên giới này thành trang trại chuối số 1 Việt Nam. Nhưng tất cả đều có chung số phận, chung nỗi đau từ đất.
PHỎNG VẤN ÔNG MƯỜI TRỪ: Tôi có hợp đồng trồng chuối với ông Huy Long An, trồng từ năm 2020 đến năm 2027, nhưng đến năm 2023 thì Nhà nước đã có lệnh thu hồi đất. Nguyện vọng của nông dân là Nhà nước nếu muốn thu hồi đất thì phải đền bù hoặc là cái gì đó cho nông dân để mà còn có cái nguồn sản xuất và để thuê đất khác mà sống. Chứ bây giờ Nhà nước lấy trắng như vậy thì nông dân chỉ chết đói thôi.
Chia sẻ với các hộ dân yếu thế, ông Út Huy còn đứng ra nhận ủy quyền để bảo vệ quyền sử dụng đất vẫn còn thời hạn, tiếp tục đầu tư tới 5 - 6 mươi tỷ đồng để giữ vững chuỗi sản xuất chuối. Nhưng một lần nữa, người dân lại đối diện nguy với nguy cơ mất trắng – vì rủi ro pháp lý.
Hơn 2.500 ha đất thuộc Công ty Cao su 1-5 Tây Ninh đang bị tỉnh Tây Ninh thu hồi sớm khiến hàng trăm hộ dân, từ làm thuê đến hợp tác lâu dài, đều bị mất đất mà không được một lời đối thoại.
PHỎNG VẤN BÀ NGUYỄN THỊ KIM HUÊ: Vợ chồng tôi có đi làm mướn cho ông Quốc Huy từ năm 1995 tới giờ, cưỡng chế dỡ đi không có đền bù được đồng nào hết. Giờ mẹ con em biết sống cỡ nào, giờ di dời đi là không có đồng bạc nào sống luôn. Đất không có, nhà cửa cũng không có, mà chồng thì mất rồi bỏ lại ba mẹ con, một đứa thì chất độc da cam với thêm thằng cháu ngoại nữa. Giờ em bị bệnh đau làm không có bao nhiêu, mong Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ cho em có ngôi nhà đặng mẹ con em sống che nắng, che mưa chứ mấy mẹ con không muốn sống nay cảnh này, mai cảnh đó...
Nỗi đau của bà con không nằm ở tờ thông báo thu hồi đất mà chính là nỗi đau sau 30 năm gắn bó bỗng trở thành vô nghĩa, khi pháp lý và chính sách chưa có cơ chế rõ ràng cho người dân, những người đã sống, khai hoang và gìn giữ vùng đất này bằng mồ hôi và nước mắt.
Bời Lời, từ vùng đất chết hồi sinh thành trang trại triệu đô, giờ lại đứng trước nguy cơ quay về con số 0. Người nông dân không chỉ cần đất, mà cần niềm tin được bảo vệ bằng chính sách công bằng, đối thoại thẳng thắn, và những cơ chế pháp lý nhân văn. Thế nhưng trong chiến dịch thu hồi đất của chính quyền tỉnh Tây Ninhdường như không có chỗ cho những những nguyện vọng đó.
PV ông NGUYỄN ĐÌNH XUÂN – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh: Trong quá trình kinh tế thị trường phát triển cho tới ngày hôm nay thì kinh tế nông lâm trường kiểu cũ đã bộc lộ nhiều hạn chế. Những diện tích đất mà các công ty quản lý không đúng phải trả về cho địa phương. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn rất phức tạp và phần lớn vẫn đang rất lúng túng.
Trong thời gian qua thì các cấp cũng khá là thận trọng, rất hạn chế trong vấn đề giao đất cho các tổ chức, cũng như thu hồi đất của người dân đều gặp khó khăn. Một số hộ dân khiếu nại họ muốn được tiếp tục rồi yêu cầu phải bồi thường, đền bù công khai phá hay tài sản trên đất của họ. Cho nên là một bài toán tương đối khó trong giai đoạn vừa qua.
Khi chúng tôi đang thực hiện phóng sự này đã nhận được thông tin: Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vừa trao quyết định về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất, buộc ông Huy phải trả lại quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV 30/4 Tây Ninh hơn 58,4ha.
Tâm nguyện của ông Huy xin được tiếp tục canh tác, thu hoạch chuối cho đến khi dự án Khu liên hiệp Công nghiệp đô thị dịch vụ Phước Đông - Bời Lời sử dụng diện tích đất này để phát triển dự án.
Trong những lá đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan trung ương, vua chuối Võ Quan Huy đã bày tỏ nguyện vọng tha thiết bằng bức “tâm thư thỉnh cầu” này: Tôi tha thiết mong Thủ tướng chỉ đạo cơ quan, ban, ngành chuyên môn xem xét giải quyết nguyện vọng chính đáng của tôi. Tôi sẵn sàng giao đất cho địa phương để thực hiện dự án, nhưng đồng thời xin được xem xét bồi thường, hỗ trợ như bao người nông dân khác trong vùng dự án theo quy định của địa phương.
Nếu không có phương án thỏa đáng, thì rất nhiều tài sản của tôi như chuối đang thu hoạch, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất sẽ phải phá hủy và di dời, gây lãng phí và thiệt hại hàng chục tỷ đồng, đối với người nông dân là rất lớn…