Vì sao gia cầm được tiêm vaccine đầy đủ vẫn mắc bệnh?
Thứ Hai 28/07/2025 , 14:23 (GMT+7)
Nhiều đàn gà, vịt dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, thậm chí chết hàng loạt. Vaccine không phải ‘lá chắn thần kỳ’ nếu người nuôi chủ quan và thực hành sai quy trình.
Vì sao gia cầm được tiêm vaccine đầy đủ vẫn mắc bệnh?
Nhiều đàn gà, vịt dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, thậm chí chết hàng loạt. Vaccine không phải ‘lá chắn thần kỳ’ nếu người nuôi chủ quan và thực hành sai quy trình.
Hiện nay, không ít trang trại và hộ chăn nuôi ghi nhận tình trạng gia cầm mắc bệnh dù đã được tiêm phòng đầy đủ. Người nuôi phản ánh rằng sau khi tiêm vaccine ngừa các bệnh truyền nhiễm như Newcastle, cúm gia cầm hay tụ huyết trùng, đàn gà, vịt vẫn có biểu hiện bệnh, thậm chí chết rải rác hoặc hàng loạt.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ vaccine không đảm bảo chất lượng, bảo quản sai quy cách, tiêm sai liều hoặc thao tác tiêm không đúng kỹ thuật, dẫn đến việc vaccine không phát huy được hiệu quả bảo vệ vật nuôi. Tất cả những yếu tố này đều có thể khiến cho gia cầm dù đã tiêm phòng vẫn dễ dàng nhiễm bệnh khi gặp phải mầm bệnh ngoài môi trường.
Thạc sĩ Lê Văn Trang, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầmVIGOVA: Chúng ta phải lưu ý là nguồn gốc vaccine phải đạt tiêu chuẩn. Thứ hai là do bảo quản, thì tốt nhất là mua về dùng ngay. Mỗi loại vaccine thì có đường đưa thuốc khác nhau để đạt hiệu quả. Người ta khuyến cáo là nên tiêm vào buổi sáng sớm và con vật trong tình trạng khỏe mạnh, thời điểm chưa cho ăn no vì các thao tác tiêm sẽ ảnh hưởng đến con vật.
Với mật độ chăn nuôi ngày càng dày, áp lực mầm bệnh tăng, xuất hiện thêm nhiều bệnh mới, các mầm bệnh cũ đã thay đổi độc lực hoặc biến chủng phức tạp nên nhiều bệnh dù đã được khống chế trong quá khứ nhưng nay vẫn bùng phát dịch. Trong những trường hợp trên thì vaccine hiện tại không thể bảo hộ được cho đàn gia cầm.
Hơn nữa, sau khi tiêm vaccine cho gia cầm, chủ nuôi thường có xu hướng chủ quan và không theo dõi, tăng cường đề kháng để vật nuôi được bổ trợ thể trạng. Chính sự lơ là này khiến gia cầm dễ suy yếu thể trạng, từ đó dễ mắc bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu gặp phải mầm bệnh mạnh hoặc điều kiện môi trường bất lợi.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy Tiên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA:Khi tiêm vaccine cho gia cầm thì chúng thường giảm sức đề kháng. Do đó, chúng ta nên bổ trợ những chất đề kháng cho gia cầm. Ví dụ như vitamin C, chất điện giải hoặc các chất bổ trợ khác để cho gia cầm tăng sức đề kháng. Ngoài ra, phải theo dõi những phản ứng của gia cầm sau khi tiêm.
Thực hành an toàn sinh học nghiêm ngặt, chọn con giống khỏe mạnh, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường đề kháng sau tiêm... đó mới là “tấm áo giáp” thực sự giúp gia cầm vượt qua dịch bệnh. Trong chăn nuôi hiện đại, tư duy: tiêm xong là yên tâm, cần được thay thế bằng tư duy: tiêm đúng, nuôi chuẩn, giám sát liên tục. Chỉ khi đó, vaccine mới thật sự phát huy hết vai trò như một phần trong chiến lược phòng bệnh tổng thể, chứ không phải phép màu đơn lẻ.