

Câu chuyện ấy gợi nghĩ đến mối quan hệ giữa người làm ra hạt gạo, rau trái và người bưng chén cơm, tô canh trên bàn ăn mỗi ngày. Lẽ nào giữa hai đầu ấy, lại chỉ là mua - bán?
Nhật Bản, vào thập niên 1970, cũng từng đứng trước câu hỏi như vậy. Khi kinh tế tăng trưởng nóng, đất nước hóa thành những cỗ máy sản xuất và tiêu thụ khổng lồ, người ta bắt đầu thấy mình đang đánh mất điều gì đó quan trọng hơn cả GDP: mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên.
Và rồi, từ lòng trăn trở ấy, một phong trào mang tên Teikei ra đời.


Teikei, trong tiếng Nhật nghĩa là “hỗ trợ lẫn nhau”. Nhưng nếu chỉ dịch vậy thì chưa đủ. Teikei chính là câu chuyện nhà nông và người tiêu dùng cùng bắt tay nhau dựng lại cây cầu đã mất giữa cánh đồng và bàn ăn.
Ông Ichiraku Teruo - người sáng lập Hiệp hội Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ Nhật Bản - gọi đó là “mối quan hệ giao tiếp thân thiện giữa người với người”. Không phải chỉ là chuyện mua bán, càng không phải chuyện thương lượng giá cả, mà là nhìn thấy mặt nhau, hiểu cuộc sống của nhau, cùng nhau tự điều chỉnh lối sống, thói quen tiêu dùng và cách canh tác.
Teikei ra đời giữa thời kỳ Nhật Bản ô nhiễm nặng: Bệnh Minamata, thực phẩm hóa chất tràn lan, đất đai bạc màu vì phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Người nông dân thì ngộ độc vì chính sản phẩm mình làm ra. Người thành phố lo lắng cho bữa ăn của gia đình.
Và rồi, họ ngồi lại với nhau, không qua thương lái, không qua siêu thị. Nhà nông và người tiêu dùng lập kế hoạch cùng nhau: trồng loại rau nào, số lượng bao nhiêu. Người tiêu dùng nhận tất cả sản phẩm, từ những trái cà méo mó đến bó cải già, không bỏ phí gì.
Họ gọi đó là “ăn theo ruộng - ăn theo mùa”.


Teikei không phải phong trào cảm tính. Họ có bản cam kết rõ ràng, gọi là “10 nguyên tắc Teikei”:


Mỗi bó rau, mỗi hạt gạo không chỉ đơn thuần là sản phẩm, mà là một thông điệp sống. Người tiêu dùng cùng đến đồng giúp nông dân cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân. Đổi lại, nông dân học cách giảm thiểu phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Hai bên cùng nỗ lực để bữa cơm sạch hơn, lành hơn, nhưng cũng lành hơn cho chính đất đai, sông suối.


Trong thị trường bình thường, giá cả lên xuống theo cung cầu. Người tiêu dùng luôn đòi hỏi rẻ hơn, đẹp hơn, nhanh hơn. Điều đó ép nhà nông phải chạy đua, đôi khi bằng mọi giá. Để rồi, chất lượng thực phẩm, chất lượng đất đai, chất lượng sống của cả hai bên cùng đi xuống.
Với Teikei - kênh lưu thông của niềm tin, nhà nông và người tiêu dùng cùng đặt ra một mức giá công bằng, bao gồm cả chi phí sản xuất, sinh hoạt, rủi ro mất mùa. Người tiêu dùng không còn là “khách hàng”, mà là “người đồng hành”.


Điều đáng suy ngẫm khi đọc về Teikei, không phải là cách họ phân phối nông sản, mà là cách họ đặt lại câu hỏi: Nông nghiệp là gì?
Nông nghiệp, theo Teikei, không phải chỉ để làm ra lương thực bán đi, mà là để duy trì vòng đời giữa con người và thiên nhiên. Đó là “nền nông nghiệp tuần hoàn”. Không lệ thuộc vào nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, không lạm dụng hóa chất, không đuổi theo thị trường.
Và cũng không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ giữa nhà nông và người tiêu dùng, mà mở rộng thành cộng đồng địa phương tự lực. Họ tự trao đổi giống cây, tự tổ chức hội thảo, kết nối với các phong trào nông nghiệp hữu cơ thế giới.


Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ xã, phường ngày hôm nay không chỉ còn là người tổ chức phong trào, mà còn là nhạc trưởng của một dàn hợp xướng giữa nhà nông, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Nếu tiếp cận theo tinh thần Teikei, xây dựng nông thôn mới sẽ không dừng lại ở con đường bê tông, ngôi nhà khang trang, mà còn là câu chuyện tái lập mối quan hệ giữa bàn ăn thành phố với cánh đồng quê.
Cán bộ xã, phường có thể chủ động kết nối các hợp tác xã, tổ nhóm nông dân, hội quán với người tiêu dùng ở đô thị. Mở những phiên chợ định kỳ ngay tại trung tâm hành chính công của xã, phường. Tổ chức những buổi đưa người dân thành phố về trải nghiệm, hỗ trợ công việc đồng áng như một hình thức du lịch cộng đồng mới mẻ. Du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, đơn giản là vậy và cần phải như vậy.


Lan tỏa tinh thần Teikei Việt Nam dựa trên đặc điểm từng nơi, không chỉ là làm nông nghiệp sạch, mà còn là đặt lại câu hỏi: Xã hội này cần cùng nhau sống như thế nào cho bền vững?
Và như vậy, từ mỗi xã, phường, từ mỗi cánh đồng nhỏ, sẽ nối dài ra những chiếc cầu vô hình nhưng bền chặt, kết nối con người với con người, thành phố với làng quê, hôm nay với ngày mai.
Nhớ mãi những vần thơ giàu cảm xúc của Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người yêu người, sống để yêu nhau”.