| Hotline: 0983.970.780

Vì sao đàn ông phải rửa chén, rửa bát thì mới là văn minh?

Thứ Sáu 22/07/2022 , 10:34 (GMT+7)

Đàn ông Tây cũng trọng trách kinh tế, cũng vị trí xã hội, sao vẫn có thời gian trong bếp với vợ? Là vì chia sẻ hạnh phúc, chứ không chỉ dúi tiền cho vợ.

Cô Dạ Hương kính!

Không thể nói rằng cháu gia trưởng hay lạc hậu. Bằng chứng cháu là kỹ sư kinh tế, thế hệ biết nhận thức đàn ông phải là con trống kiếm mồi, đàn bà chăm con trong tổ, tổ phải ấm con cái phải no, thì mới xứng là gã đàn ông đại bàng giữa thế gian bão táp.

Hai mươi năm hôn nhân, nuôi con ăn học trường xịn, vợ chỉ mỗi việc đưa đón con, nội trợ, nội tướng. So với đám bạn vợ bon chen vợ kiếm tiềm địa vị xã hội, cháu dám khẳng định rằng vợ cháu có bằng đại học đấy nhưng theo người Nhật theo cả người Mỹ, ở nhà nhưng vẫn đủ trình độ với đời, nói con con phải nghe. Kinh tế gia đình theo nhiệm kỳ của nhà nước, nhà cháu mỗi 5 năm nhảy một bước dài ngoạn mục. Nhà chung cư cao cấp, chồng một ô tô, vợ một ô tô, có bất động sản để dành và hiếu nghĩa cho hai bên nội ngoại không dám xao lãng. Với cháu đàn ông phải ra thằng đàn ông, đàn bà phải giỏi nghĩa vụ đàn bà. Nhưng vợ chồng mấy đứa bạn thì mỗi lần ngồi lại đầy đủ với nhau là đề tài đàn bà làm bếp, đàn ông rửa ráy lau dọn. Cháu chỉ ngồi nghe, có lúc rung đùi nghe, không lên tiếng. Vợ cháu thì nói thay cho chồng, hạnh phúc nhà tôi là vậy vậy đó, không giống ai. Thì đâu ai giống ai cái định nghĩa hạnh phúc ấy.

Mãi đến tận lúc này, khi con cái của bạn hữu với nhau đều sắp bay khỏi tổ với chân trời của chúng mà các ba các mẹ vẫn còn tranh luận đàn ông nên như thế nào, có rửa chén bát và lau dọn như đàn ông tây hay không? Lạ ghê, người Việt, sống ở VN mà cứ đem văn hóa tây ra so sánh và đòi hỏi. Cháu chỉ thấy xu hướng đó, cùng với xu hướng đồng tính ngày mỗi lũng đoạn văn hóa truyền thống của chúng ta. Phạm vi thư này chỉ muốn nghe cô về chuyện vì sao đàn ông phải rửa chén rửa bát thì mới là văn minh, gia đình mới hạnh phúc?

Cháu thân mến!

Vấn đề rất đáng trao đổi nhưng lá thư của cháu khiến cô phì cười. Bởi vì lời lẽ cho thấy cháu rất nam tính, rất truyền thống và chắc chắn là rất cố gắng thể hiện gia trưởng nữa. Vì sao từ sớm, hay cụ thể là từ thế kỷ 21 này, thanh niên và đàn ông Âu Mỹ nói chung rất tự giác trong việc đỡ đần phụ nữ trong việc rửa chén rửa bát.

Lan truyền bức ảnh bộ trưởng Ngoại giao hay Quốc phòng gì đó của Mỹ cô không nhớ rõ mang tạp dề đứng rửa bát cho vợ khi bà vợ thong dong thư giãn gần đó bằng mấy lá bài. Có lẽ hình ảnh ấy rất tức mắt đàn ông Việt mình. Vì sao đàn ông họ như vậy? Là vì được giáo dục từ sớm, từ bé rằng phụ nữ thiên chức mang thai. Chín tháng hơn với cái thai trong bụng, lành nhiều mà dữ cũng khá nhiều, nặng nhọc ghê gớm. Rồi khi sinh đẻ, chồng phải ở cạnh gường sanh để nhìn thấy vợ sinh nở trần ai, đánh đổi cả mạng sống như thế nào. Và nuôi con khi nhỏ, bú mớm bế bồng, ngày dài chí đêm thâu. Thấm nhuần rằng những việc duy trì nòi giống ấy mà hầu như chỉ phụ nữ gánh vác hết thì người chồng không thể nào so đo, hoặc so sánh với họ được. Vậy đó, từ ông sang con trai, từ con trai rồi sẽ sang đến cháu trai, tinh thần ấy, văn hóa ấy, đó là những bước tiến dài mà nhân loại văn minh đã dẫn đầu, như mọi lĩnh vực khác.

Đàn ông ở họ cũng trọng trách kinh tế, cũng vị trí xã hội, sao họ vẫn có thời gian trong bếp với vợ? Là vì họ không có người làm hoặc không ỷ vào người làm, hoặc đơn thuần, muốn hạnh phúc phải thể hiện qua hành vi chứ không chỉ mang cục tiền về dúi cho vợ. Rõ ràng còn tranh cãi, nghĩa là đàn ông ta còn tụt hậu. Hiểu như đàn ông tây mà cô đã dẫn chứng, sẽ không bàn cãi nữa. Rồi sẽ đến lúc phải hội nhập cả hành vi gọi là văn hóa tối thiểu ấy.

Nhiều nhà cố mua máy rửa chén cho vợ, xong. Nhưng xong một cách lạnh ngắt ấy thì nói làm gì. Cô thấy khách tây đến nhà cô, ăn xong, bao giờ họ cũng bê các thứ vào bếp, nếu không phải rửa thì bê hết vào cho phụ nữ chủ nhà thu xếp. Chồng cô hơn 80 tuổi, tối nào cũng rửa bát cho vợ để cô nằm nghỉ sau khi ăn. Cháu nên điều chỉnh quan niệm kẻo ảnh hưởng tinh thần ấy sang con trai. Phụ nữ ngày nay không lười nhưng họ yêu cầu chồng chia sẻ một ít trách nhiệm trong nhà, thế thôi. Việc bếp khó nhất, cực nhất là đi chợ và nấu, còn dọn rửa, ai làm chả được, sao đàn ông không làm, nhỉ? 

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Văn hóa doanh nhân không thể chấp nhận các kiểu khôn vặt

Văn hóa doanh nhân ngày càng được xem trọng trong đời sống xã hội, vì quan hệ giữa người bán và người mua luôn ràng buộc lợi ích và trách nhiệm với nhau.

Sản nghiệp riêng sa sút làm sao góp tài sản chung hôn nhân?

Sản nghiệp riêng của mỗi người luôn là một yếu tố đáng cân nhắc kỹ lưỡng, khi mong muốn có được cuộc hôn nhân thực sự xứng đôi vừa lứa.

Bệnh tim mạch không còn nguy hiểm với người hiểu biết

Bệnh tim mạch từng được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, bây giờ, mọi thứ đang thay đổi.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất