![]() |
Thư pháp - bộ môn nghệ thuật có bề dày lịch sử. Ảnh: Như Đông. |
Thư pháp xưa nay vốn là nghệ thuật đường nét của các loại hình văn tự. Ở Việt Nam, thư pháp Hán Nôm được đánh giá là một trong những bộ môn nghệ thuật có bề dày lịch sử với chiều sâu nội hàm.
Qua từng thời kỳ, hình thức thể hiện thư pháp được phân chia theo nhiều thể chữ khác nhau như: Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo với những đặc trưng, tiêu chí thẩm mỹ rất rõ ràng. Sự xuất hiện của thư pháp Quốc ngữ là một bước chuyển đột phá mang tính sáng tạo trong nghệ thuật thư pháp của dân tộc.
Nối tiếp truyền thống hiếu học của dân tộc
Triển lãm thư pháp “Truyền kinh chính học” chính là sự tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Với mong muốn truyền đạt đến các thế hệ kế cận về nét văn hóa dân tộc thông qua nghệ thuật thư pháp, để tiếp nối mạch nguồn hiếu học, nâng cao giá trị văn hóa dân tộc. và quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
![]() |
Triển lãm thư pháp "Truyền kinh chính học". Ảnh: Như Đông |
Ông Kiều Quốc Khánh, tác giả có tác phẩm tham gia triển lãm chia sẻ: “Truyền kinh chính học là sự giáo dục chuẩn mực cho vấn đề học tập, thông qua triển lãm tôi mong muốn truyền thống hiếu học của dân tộc được tiếp nối bởi các thể hệ trẻ sau này. Là một người yêu thích nghệ thuật thư pháp tôi cũng mong muốn bộ môn nghệ thuật này được giới thiệu nhiều đến với công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ…”
![]() |
"Giang đình tác" - thơ Chu Văn An - do Trần Văn Tú thể hiện. Ảnh: Như Đông |
Đồng quan điểm với ông Khánh, bạn Trần Văn Tú, một tác giả trẻ có tác phẩm tham gia triển lãm bày tỏ: “Xuất phát từ sở thích cá nhân sau khi tham gia học và sáng tác thư pháp tôi thấy nghệ thuật thư pháp mang lại cho bản thân nhiều vốn kiến thức về văn hóa đặc biệt là văn hóa truyền thống. Qua triển lãm tôi mong muốn giá trị văn hóa truyền thống sẽ được truyền bá rộng rãi cả trong và ngoài nước…”
Kết nối thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ
Triển lãm thư pháp “Truyền kinh chính học” có nhiều nhà thư pháp đến từ khắp mọi miền của đất nước, ở cả hai loại hình, thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ. Triển lãm giới thiệu đến công chúng 100 tác phẩm thư pháp dựa trên cơ sở nội dung là các trước tác thơ, văn của Chu Văn An và 17 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám – các học quan đứng đầu Quốc Tử Giám. Các tác phẩm của họ đều là cơ sở để các tác giả phóng tác thành tác phẩm thư pháp. Trong triển lãm lần này có 1 tác phẩm của tác giả người nước ngoài Gull Jean cũng được trưng bày.
![]() |
Tác giả Gull Jean tại triển lãm. Ảnh: Như Đông |
Ban tổ chức còn mời các nhà thư pháp biểu diễn viết thư pháp trực tiếp ngay tại buổi lễ khai mạc phục vụ công chúng đến tham quan.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Thông qua cuộc triển lãm, ban tổ chức muốn kết nối các nhà thư pháp cả ba miền Bắc, Trung, Nam và kết nối thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ. Chúng tôi mong muốn các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm sẽ được giới thiệu đến đông đảo công chúng đến tham quan…”
![]() |
Tác phẩm "Vọng Thanh Hoa" do Jull Jean thể hiện. Ảnh: Như Đông |
Ngoài các tác phẩm thư pháp Triển lãm còn giới thiệu tới công chúng tóm tắt về thân thế sự nghiệp của Tư nghiệp Chu Văn An và 17 vị đã từng đảm nhiệm chức Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Triển lãm “Truyền kinh chính học” diễn ra từ 23/11/2019 đến 23/12/2019 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).