
Nữ nghệ sĩ Cello luôn khiến nhiều quý ông xiêu đổ.
Nói thật cái thời tôi mới vào đời, đánh đu với các ông bè dây Trường Âm nhạc VN lúc Ô Chợ Dừa (Hà Nội) lúc làng Xuân Phú (Yên Dũng, Bắc Giang) chưa bao giờ dám tơ tưởng một em nào học Cello ở trường này cả. Các em đẹp lắm, làm nhiều ông bạn tôi là họa sỹ, ca sỹ, nghệ sỹ…ông nào ông nấy khốn đốn cả một đời trai.
Nhưng tôi lại thân với nhiều "trai đẹp" học Cello. Chuyện này có ông Mai Lâm học đàn Contrabass làm chứng.
Ví như các ông: Kim Quang (biệt danh Quang Xu Hào, mới cưới em Mai Tuyết hát hay lắm, lại làm to), Doãn Tiến (em trai của nhà thơ Thanh Tùng “thời hoa đỏ”), Tạ Huấn (con trai của cụ Tạ Phước và là con rể một ông Bộ trưởng), Đoàn Chiến (năm xưa nhà có cửa hàng ở ga Hàng Cỏ, giàu lắm, chơi đàn thì ít mà chơi cổ phiếu thì nhiều). Đại để là vậy...
Nhưng chưa hết, vì hồi ấu thơ, tôi ở với mẹ tôi ở Đoàn ca múa Trung ương, nên hay được nghe tiếng đàn Cello của ba ông thế hệ trước các ông bạn tôi, tiếng đàn đều điệu nghệ, đều quyến rũ lắm.
Trước nhất là ông Kỳ Lân, ngày ấy tôi gọi là chú Kỳ Lân, với mẹ tôi rất thân tình, bởi ngày cưới của mẹ tôi, chính ông mang đàn đến đệm đàn cho cô dâu là mẹ tôi hát, hai chị em làm cả một chương trình biểu diễn, khiến quan khách đến dự cưới vỗ tay nồng nhiệt.
Cũng lại ông Kỳ Lân này là Bí thư chi đoàn, có nhiệm vụ là phụ trách đội thiếu nhi chúng tôi (Không biết hồi ấy thằng Bun Xoom Nhật có được chú cho làm đội trưởng không).
Sau này chú Kỳ Lân đi B thì bàn giao việc này cho chị Thúy Quỳnh. Mẹ tôi coi ông Kỳ Lân như em trong nhà. Ngày tiễn ông Kỳ Lân, cùng các diễn viên của Đoàn như Trần Mùi, Quốc Trụ, Dư An, Lâm Quang Măng, Chánh Trực… đi B, mẹ tôi khóc nước mắt cứ đầm đìa trên má (Ngày ấy đi B là vinh dự, là hãnh diện, nhưng cũng kể như đi vào chỗ chết!)
Chú Kỳ Lân lại có người em ruột là cô Kim Oanh, cũng là nghệ sỹ trong đoàn chơi đàn t’rưng. Thế là lọt vào mắt xanh cũng một ông chơi Cello trong đoàn, là ông Đặng Ngọc Đoán. Là trai Hà Nội hộ khẩu ở 69 Triệu Việt Vương, ông Đặng Ngọc Đoán chính là anh ruột nghệ sỹ điện ảnh Đặng Tất Bình thân thiết với tôi…
Lại một ông Cello nữa cũng từ trường nhạc được về đoàn, là ông Hữu Xuân (sau này nổi tiếng với hai ca khúc sáng tác “Hoa tím ngày xưa” và “Hà nội mùa chia xa”), cũng lại yêu một “em” đàn t’rưng trong đoàn là Xuân Nhung (tôi đồ rằng tên chị là Nguyễn Thị Nhung, nhưng yêu ông Hữu Xuân nên lấy nghệ danh là Xuân Nhung).
Thế là trong đoàn có hai ông Cello lấy hai nghệ sỹ T’rưng ( Có giai đoạn, anh Đặng Ngọc Đoán kiêm nhiệm chơi đàn đáy). Chỉ hai đôi đặc sắc như vậy thôi, bởi sau này Doãn Tiến tốt nghiệp Cello về đoàn, nhưng lại "hy sinh thân mình" vì một em diễn viên múa…
Hôm rồi được đọc những dòng tâm sự của Yến - con gái nghệ sỹ Đặng Ngọc Đoán và Kim Oanh, thấy nhớ anh quá. Gửi cho anh Hữu Xuân đọc, vì cháu Yến viết rất hay (hồi nhỏ cháu Yến học năng khiếu Văn, nhưng sau lại đi Bungari học về sinh vật ở Sofia University. Bởi thế nên ta mất một nghệ sỹ đàn tranh nứa đã đành, mà cũng lại mất một nhà văn hậu sinh của Dimitrova).

Nghệ sĩ Cello Đặng Ngọc Đoán thời trai trẻ.
Đọc mà cay cay hai mi mắt, bởi tình yêu của những nghệ sỹ Cello qua những dòng viết của cháu… Xin được giới thiệu nguyên văn của cháu Yến, để công chúng hiểu thêm về nghệ sĩ Cello
“Hồi bé, nhà tôi có rất nhiều nứa, cả cây nứa dài ấy. Nứa dựng dọc hành lang, đầy ban công, cầu thang… Hồi đầu thấy cảnh bố tôi kèm vài xích lô chở đầy nứa về nhà, mấy bà hàng xóm ngạc nhiên lắm, bảo là cứ tưởng diễn viên, nghệ sĩ gì nổi tiếng cơ mà, hóa ra là làm cho hợp tác xã mây tre đan à? Khổ quá, bố tôi có đan rổ rá gì đâu. Nứa đấy là để ông làm nên những ống đàn nổi tiếng của Tây nguyên, cả đàn T’rưng và K’lonput ấy.
Hồi bé, nhà tôi có rất nhiều dao. Nào phải để pha thịt, pha xương gì, mà để bố tôi pha nứa. Những con dao to được dùng để róc bớt những mắt gồ ghề, chặt bỏ những đoạn cong vẹo hoặc chẻ nhỏ những cây nứt vỡ. Dao nhỏ được dùng để khoét lỗ hoặc gọt những đầu ống đàn nhọn hoắt.
Đâu có dễ tìm mua được dao tốt vào những năm 70 của thế kỷ trước khó khăn ấy, nên bạn bè bố tôi luôn chọn dao làm món quà tặng ông mỗi khi có dịp đi công tác nước ngoài. Chỉ tiếc là những con dao đó chỉ để dành dùng vào ngày Tết khi có nhiều thịt để thái, chứ đâu có gọt được nứa.
Hồi bé, nhà tôi có rất nhiều chun, cả chun trắng loại mà hay để lồng vào cạp quần lẫn cả chun tăm bé tý. Tất nhiên bố tôi không làm gia công cho hợp tác xã may mặc, mà ông dùng chun ấy quấn đầu que gõ cho đàn T’rưng.
Thông thường người dân tộc Tây Nguyên chỉ dùng que gỗ để gõ vào ống đàn nên tiếng đàn cứng và đanh. Việc ông quấn thêm chun vào que gõ làm tiếng đàn ấm và vang hơn rất nhiều, nên bắt micro tốt hơn khi lên sân khấu.
Trong một lần xuống biểu diễn cho nhà máy Dệt kim Đông Xuân, bố tôi có ngỏ ý xin một ít chun vụn về dùng. May mắn gặp được ông giám đốc yêu nghệ thuật nên đã tặng bố tôi hẳn một bao tải chun xịn, và lâu lâu lại gửi tặng tiếp.
Tôi đã hãnh diện biết bao với những thứ nhà có hồi bé ấy. Và chả ý thức được rằng những cái ống nứa mà bố tôi suốt ngày cắt cắt gọt gọt ấy, đặc biệt tới mức nào. Chỉ thấy lạ vì ông thường phải làm việc ban đêm, khi thực sự yên tĩnh để có thể nghe và chỉnh các ống đàn cho đúng cao độ. Tôi vẫn quen đi ngủ trong tiếng vang vang khe khẽ khi ông gõ thanh mẫu, tiếng dao gọt nứa sột sột và tiếng gõ đàn nhẹ nhẹ.
Chả hiểu cơ duyên thế nào để rồi từ một nghệ sĩ kéo đàn Cello, ông lại chuyển sang gắn bó với nứa, với trúc và cả với dao. Ông đã cải tiến cả 2 loại đàn nứa, đàn T’rưng và đàn K'Longput để mẹ tôi có thể biểu diễn được cả các bài cổ điển, chứ không bó hẹp với các bài ngũ cung như trước.
Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, bố tôi đã không biết bao nhiêu lần biểu diễn cho các khán giả, nhất là khán giả nước ngoài xem ông đã biến đoạn nứa thành một ống đàn chuẩn cao độ một cách tài tình thế nào. Có lẽ ông là trường hợp hiếm hoi được phép mang dao theo người kể cả khi lên máy bay cũng như khi vào biểu diễn ở Phủ Chủ tịch.
Giữa giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn nghe đâu đó tiếng ngân nga của nốt La khi ông gõ thanh mẫu, tiếng ông thổi phù phù vào ống đàn, tiếng dao gọt sắc lẹm trên nứa.
Chả biết trên con đường đi xa cuối cùng này, ông có lại được cho phép mang theo con dao và mấy ống nứa độc đáo của mình, để rồi lại gọt gọt, gõ gõ… tạo nên những âm thanh bất hủ”.