
Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. Ảnh: Sơn Trang.
Cà phê là loại nông sản có nhiều biến động về giá trong thời gian qua ở Việt Nam. Sau tuyên bố áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Tổng thống Donald Trump, giá cà phê ở Việt Nam giảm mạnh. Tuy nhiên sau khi ông Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng để các nước đàm phám, tâm lý thị trường dần ổn định và giúp giá cà phê tăng mạnh trở lại. Kết thúc tháng 4, giá cà phê chỉ còn thấp hơn 1,5% so với giá hồi đầu tháng.
Trong tháng 5, giá cà phê ở Việt Nam vẫn có nhiều biến động và hiện có xu hướng giảm. Theo ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích thị trường cà phê, giá cà phê giảm vào thời điểm này không phải do tác động bởi thuế đối ứng mà do nguồn cung hiện đang dồi dào.
Thông tin từ Brazil cho thấy, sản lượng cà phê Robusta của nước này trong năm nay vào khoảng 25 triệu bao, gần tương đương với Việt Nam. Đến nay, Brazil đã thu hoạch được khoảng 20 triệu bao cà phê Robusta.
Đồng thời, cà phê Arabica ở Brazil đã bắt đầu thu hoạch rải rác, với lượng đã thu hoạch chiếm khoảng 1 - 2% sản lượng cà phê Arabica của nước này. Đây là bằng chứng cho thấy, quả thực năm nay, cà phê Arabica ở Brazil bị ảnh hưởng bởi hạn hán, vì thiếu nước khiến cho cà phê chín sớm (thông thường, cà phê Arabica ở Brazil bắt đầu thu hoạch từ tháng 7).
Bên cạnh đó, vụ cà phê ở Indonesia đã bắt đầu thu hoạch từ tháng 4 với sản lượng dự kiến 10 triệu bao, trong đó, khoảng 7 triệu bao là cà phê Robusta. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn tồn một lượng lớn cà phê từ vụ 2024 - 2025.
Trong bối cảnh giá cà phê có nhiều biến động thì xuất khẩu cà phê Việt Nam nhìn chung vẫn đang rất sôi động, trong đó có xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Trong tháng 4, đã có 10 nghìn tấn cà phê được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, trị giá 56 triệu USD, tăng 21% về lượng và 80% về kim ngạch so với tháng 4/2024.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, việc ông Trump hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đang tạo ra khoảng thời gian cho các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập khẩu các loại hàng hóa, trong đó có cà phê. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đang tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ trước thời điểm Chính phủ nước này chính thức áp thuế đối ứng.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi nguồn cung trong nước dồi dào, cùng với việc Mỹ hoãn thực thi thuế đối ứng đối với hầu hết đối tác, thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng mua vào trước khi thuế quan mới có hiệu lực.

Cà phê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ảnh: Sơn Trang.
Tuy nhiên có một câu hỏi đang được đặt ra cho ngành cà phê Việt Nam là xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ ra sao khi Chính phủ nước này chính thức áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam.
Đến thời điểm này, không có một chuyên gia, thương nhân nào trong ngành cà phê Việt Nam có thể đưa ra một nhận định cụ thể về điều này. Thứ nhất là chưa biết thuế đối ứng cuối cùng sẽ là bao nhiêu, thứ hai là khi Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế đối ứng, thì mức thuế của cà phê Việt Nam so với Brazil, Indonesia... sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Bình chia sẻ, khi chưa bị áp thuế đối ứng, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã gặp bất lợi hơn so với cà phê Brazil về cước vận chuyển. Vì vậy, một khi Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế đối ứng, chắc chắn cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ khó khăn hơn khi cạnh tranh với cà phê Brazil (nước không bị áp thuế đối ứng).
Một giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp tính tới trong trường hợp cà phê Việt Nam bị áp thuế đối ứng ở mức cao là chuyển hướng thị trường. Tuy nhiên, điều này không đơn giản, vì thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam là EU cũng đang bị ông Trump dọa áp thuế ở mức cao, qua đó có thể ảnh hưởng tới tiêu dùng ở đây. Mặt khác, khi nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, EU dùng một phần để chế biến xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Vì vậy, nếu cà phê từ EU khó vào Hoa Kỳ do bị áp thuế cao, EU có thể giảm phần nào lượng cà phê nhập khẩu.
Trong bối cảnh ấy, việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc có thể giúp giảm áp lực từ thị trường Hoa Kỳ, bởi thị trường cà phê Trung Quốc đang trên đường phát triển. Tuy nhiên, để mở rộng được thị phần tại Trung Quốc, cần có một chiến lược bài bản để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, thay vì vẫn đang đi nhiều qua đường biên mậu như hiện nay.
4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 666 nghìn tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch lại tăng tới 52% và đạt gần 3,8 tỷ USD. Đây là giá trị xuất khẩu kỷ lục từ trước đến nay trong 4 tháng đầu của một năm.
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ đạt 43 nghìn tấn, trị giá 238 triệu USD, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 57% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.