| Hotline: 0983.970.780

Tìm phương án cho thạch đen

Thứ Năm 19/09/2019 , 08:50 (GMT+7)

Thạch đen được xem là cây có giá trị cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nhiều địa phương ở Lạng Sơn và đang hướng tới xuất khẩu (XK) chính ngạch sang Trung Quốc để tăng hiệu quả kinh tế.

09-22-44_dsc_chm_soc_thch_den
Thạch đen là cây trồng có nhiều lợi thế tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng.

Thạch đen hay lương phấn thảo, sương sáo, có nguồn gốc ở Đông và Đông Nam Á, được trồng ở Đông Nam Trung Quốc, Đài Loan và ASEAN. Ở Việt Nam, thạch đen được trồng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Đồng Tháp, An Giang...

Ở Lạng Sơn, thạch đen được trồng chủ yếu trên đất ruộng và đất nương rẫy có độ dốc <20 độ, tập trung ở các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng. Hiện nay, tổng diện tích thạch đen của tỉnh xấp xỉ 2.000ha với năng suất trung bình 51 - 52 tạ/ha, tổng sản lượng xấp xỉ 10.000 tấn. Với diện tích trên, giá trị từ thạch đen đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, tiềm năng mở rộng vùng nguyên liệu có thể tăng gấp đôi nếu đảm bảo được thị trường.

Xác định đây là sản phẩm chủ lực, Lạng Sơn đã xây dựng nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định và được cấp giấy chứng nhận, từ đó thiết kế và in ấn tem nhãn sản phẩm, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Theo nghiên cứu khoa học, thạch đen ở Tràng Định, Lạng Sơn có chất lượng cao hơn ở các vùng lân cận như Thạch An (Cao Bằng) và Na Rì (Bắc Kạn). Bên cạnh đó, các cơ sở thu mua đã ký cam kết với người dân để đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch để đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Hiện nay, thạch ruộng được bán với giá khoảng 20 triệu đồng/tấn và thạch nương là 28 - 29 triệu đồng/tấn, chủ yếu đi thị trường Trung Quốc. Lượng tiêu thụ ở Lạng Sơn vào khoảng 10%, các tỉnh khác 20% và đi Thái Lan khoảng 5% với tiêu chuẩn bao bì, nguồn gốc rất cao, 65% thạch đen còn lại được xuất đi Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi thị trường lớn nhất này áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc mới, xuất khẩu thạch đen bị giảm mạnh. Với mặt hàng thạch đen khô, từ 1/9/2018, Trung Quốc ngừng nhập cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, ảnh hưởng lớn đến nông dân trồng cây này ở Lạng Sơn.

Nguyên nhân là do từ trước, thị trường Trung Quốc không có yêu cầu nào với sản phẩm này nên việc sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đóng gói đúng quy trình không được thực hiện. Đây sẽ là những khó khăn cho người nông dân trong quá trình thay đổi, cải tiến để đàm phán xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc.

Tỉnh Lạng Sơn xác định, những thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc là tất yếu và đến lúc phải thay đổi, xem đây là thị trường khó tính, tập trung sản xuất quy củ, vừa giảm rủi ro vừa tăng được giá trị.

Địa phương đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị giúp đỡ, hướng dẫn tỉnh thực hiện các yêu cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền cho nông dân, thực hiện các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm của bạn hàng.

Hiện nay, Lạng Sơn đang rốt ráo cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện việc xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc và hướng dẫn triển khai đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch theo yêu cầu của bạn hàng.

Làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV cho biết dự kiến ngày 22/9 tới, nhóm chuyên gia của Trung Quốc sẽ sang làm việc, kiểm tra tổng thể về vùng trồng, tổ chức SX, các điều kiện về sơ chế, bảo quản… đối với cây thạch đen tại Lạng Sơn để xem xét cho phép XK chính ngạch sang Trung Quốc.

Thạch đen được XK theo dạng thương mại biên giới sang Trung Quốc từ lâu. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, khi Trung Quốc siết chặt quy định về NK, mặt hàng này không thể XK được do chưa có trong danh mục hàng hóa được phép XK sang Trung Quốc.

“Về cơ bản, các điều kiện mà phía Trung Quốc đưa ra là không quá khó. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta cần phải tuân thủ nghiêm túc theo các yêu cầu của họ. Dự kiến nếu hoàn tất việc kiểm tra đánh giá, chỉ sau 3 - 5 ngày, chúng ta đã có thể được phép XK trở lại”, ông Hoàng Trung cho hay.

Xem thêm
Gian lận bảo hiểm thất nghiệp người lao động sẽ gặp rắc rối lớn

Nhiều lao động cố tình gian lận để hưởng trợ cấp thất nghiệp đang đối mặt nguy cơ bị thu hồi tiền, xử phạt hành chính và mất toàn bộ quyền lợi bảo hiểm.

Chủ tịch TH đề xuất 3 trụ cột phát huy vai trò hợp tác công- tư

Bà Thái Hương là một trong các doanh nhân tiêu biểu được cùng các lãnh đạo cấp cao phân tích tầm nhìn chiến lược sâu sắc, toàn diện về hợp tác công - tư.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.