Tập đoàn tái chế dệt may Syre, có trụ sở tại Thụy Điển, vừa công bố hợp tác với hai nhà bán lẻ lớn tại Mỹ là Gap và Target nhằm cung cấp polyester tái chế trong bối cảnh nhu cầu về thời trang bền vững đang ngày càng tăng cao.
Syre là một tập đoàn khởi nghiệp được đồng sáng lập bởi H&M - một trong những "ông lớn" trong lĩnh vực thời trang nhanh và tập đoàn đầu tư Vargas. Syre hướng tới mục tiêu sản xuất hơn 3 triệu tấn polyester vào năm 2032 bằng cách tái chế hàng may mặc đã qua sử dụng. Năm ngoái, Syre đã ký kết một thỏa thuận dài hạn với H&M trị giá 600 triệu USD trong vòng 7 năm.

Tập đoàn Syre hợp tác với Gap và Target để cung cấp polyester tái chế, đáp ứng xu hướng thời trang bền vững ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa. Ảnh: Apparel Resources.
Trong thông báo ngày 2/7, Syre cho biết Gap dự kiến sử dụng 10.000 tấn chip polyester mỗi năm, trong khi Target sẽ tích hợp polyester tái chế của Syre vào một số dòng sản phẩm được lựa chọn. Các chip polyester này sẽ được các đối tác kéo thành sợi để sử dụng trong sản xuất hàng dệt may mới.
Ông Dennis Nobelius, Tổng giám đốc Tập đoàn Syre cho biết: “Chúng tôi sẽ cùng nhau phát triển polyester tuần hoàn, mở đường cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai”. Tuy nhiên, ông không công bố chi tiết về giá trị hay thời gian cụ thể của các thỏa thuận này.
Bên cạnh Gap và Target, công ty đồ thể thao Thụy Điển Houdini cũng đã cam kết sử dụng 50% lượng polyester từ Syre trong ba năm tới.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Syre đang đẩy mạnh mở rộng sản xuất. Năm ngoái, công ty đã huy động được 100 triệu USD để xây dựng một nhà máy “mẫu” tại bang Bắc Carolina (Mỹ), dự kiến vận hành vào năm 2026 với công suất khoảng 10.000 tấn polyester tái chế mỗi năm. Đồng thời, Syre đặt mục tiêu khởi công nhà máy thứ hai tại Việt Nam vào năm 2027, với công suất lớn hơn đáng kể, từ 150.000 đến 250.000 tấn mỗi năm.
Sự hợp tác giữa Syre và các nhà bán lẻ lớn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình hiện thực hóa một ngành thời trang tuần hoàn, giảm thiểu rác thải dệt may và tạo ra chuỗi giá trị bền vững hơn cho ngành công nghiệp toàn cầu.