| Hotline: 0983.970.780

Thuốc giả như... rau

Thứ Ba 18/08/2009 , 15:15 (GMT+7)

Từ đầu năm 2009 đến nay, Cục Quản lý dược và Sở Y tế TPHCM liên tục ra các quyết định thu hồi hơn 40 loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhái. Trong đó, có những loại thuốc không đạt chất lượng về độ nhiễm khuẩn, hoạt chất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

* Thuốc giả, nhái tuồn vào chợ sỉ

Thuốc giả, nhái bị ngành chức năng phát hiện

Thị trường thuốc tây đang hết sức bát nháo, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn…

Hôm qua 17/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CATPHCM) cho biết, từ tháng 5/2009 đến nay có rất nhiều vụ án liên quan đến thuốc giả bị phát hiện. Tiêu biểu nhất là vụ bắt giữ một “tổ hợp” sản xuất thuốc giả do Nguyễn Thanh Hoàng (ngụ P.13, Q.3, TPHCM) và Hà Huy Hùng (ngụ P.8, Q.3, TPHCM) cầm đầu.

Điều tra cho thấy Hoàng và Hùng đã tổ chức làm thuốc tại một căn nhà xập xệ, bẩn thỉu ở tổ 19, KP3, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7. Các đối tượng đã dùng máy cán ép, máy dập hạn sử dụng, máy sấy hấp ép vỉ thuốc, máy cắt vỉ, cân tiểu li và nhiều dụng cụ cùng với khoảng 30 thùng giấy chứa nguyên liệu “rởm” dùng để cho ra lò thuốc chữa bệnh cho người.

Một vụ án khác vào cuối tháng 7/2009, Công an quận Bình Thạnh bắt giữ một đối tượng tên Tùng (ngụ tại P.25, Q.Bình Thạnh, TPHCM) đang mang hai thùng tân dược không có chứng từ lên một chiếc xe tại Bến xe Miền Đông để đưa đi Tây Nguyên tiêu thụ. Khám xét nơi ở của Tùng, CQĐT thu giữ thêm 20 thùng thuốc tây cũng không hề có chứng từ chứng minh nguồn gốc với hơn 40 loại thuốc, có khối lượng hàng trăm kg.

Trước đó, phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CATPHCM) còn phát hiện đối tượng Bùi Tiến Thành (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chuyên hành nghề “lên đời” thuốc hết “đát”. Điều tra cho thấy, Thành mua các loại thuốc từ một số cơ sở tại các trung tâm bán sỉ tân dược ở Q3, Q10, Q11. Các loại thuốc đã hết hạn sử dụng được y mua về rồi thay nhãn mác và bán ra thị trường. Tại thời điểm bị bắt giữ, Thành vừa cho ra “lò” trên 820 kg thuốc với khoảng 1.800 loại thuốc mang nhãn hiệu các loại.

Từ đầu năm 2009 đến nay, Cục Quản lý dược và Sở Y tế TPHCM liên tục ra các quyết định thu hồi hơn 40 loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhái. Trong đó, có những loại thuốc không đạt chất lượng về độ nhiễm khuẩn, hoạt chất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo Bộ Y tế, trong năm 2008 tổng giá trị tiền thuốc sử dụng cả nước lên đến 1,4 tỷ USD, với mức bình quân một người dân bỏ ra 16,4 USD cho việc mua thuốc. Và một phần không nhỏ trong số tiền này đã trở nên vô dụng, thậm chí có hại cho sức khỏe vì đã uống phải thuốc dỏm, thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, nhóm thuốc kháng sinh (được sử dụng cao nhất trong lẫn ngoài bệnh viện) có tỷ lệ không đạt chất lượng rất cao: 26,9%, nhóm thuốc kháng viêm là 12%, thuốc tiêu hóa là 11,8%...

Thực tế đó được thể hiện rõ nhất tại các chợ bán sỉ thuốc tây lớn tại quận 3, quận 10, quận 11 (TPHCM) khi nhiều loại thuốc tại đây có giá thấp hơn cả… giá gốc! Tìm hiểu của NNVN cho thấy, loại thuốc như Dilatren 6,25mg (Cty CP Dược phẩm Vimedimex) có giá trên 130.000 đồng/hộp 30 viên, nhưng tại chợ sỉ chỉ còn khoảng 100.000 đồng/hộp. Tương tự, thuốc Adrocua 50mg (Cty Dược liệu Trung ương 2) nhập về bán trên 700.000 đồng/hộp thì tại chợ sỉ giá chỉ khoảng 590.000 đồng/hộp. Loại thuốc Adefovir 10mg (Cty Stada phân phối) có giá 450.000 đồng/hộp, nhưng tại chợ sỉ giá chỉ còn 350.000 đồng/hộp.

Lý giải về sự “xuống giá” bất thường này, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM giải thích, có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất thuốc tại chợ sỉ được nhập về bằng những con đường không chính thức, bao gồm hàng xách tay qua đường tiểu ngạch, bằng đường du lịch, thuốc không rõ nguồn gốc, không có đầu vào, thuốc bị tẩy sửa... Thứ hai, nhiều loại thuốc bị làm nhái, thuốc giả được tuồn vào khu vực chợ sỉ để hợp thức hóa đưa đi tiêu thụ tại các quầy thuốc lẻ trên cả nước, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Ông Đoàn Đình Duy Khương – GĐ Tiếp thị Cty CP Dược Hậu Giang:

Lâu nay chuyện làm hàng giả, hàng nhái dược phẩm từng được đề cập nhiều. Với hàng trăm sản phẩm dược của Cty Hậu Giang tuy chưa phát hiện hàng giả, nhưng hàng nhái mẫu mã, màu sắc nhãn hàng na ná hay kiểu chữ, co chữ…của một vài DN dược phẩm khác thì có. Một số DN cùng ngành cạnh tranh nhau bằng cách theo dõi những mặt hàng bán chạy, rồi về tung sản phẩm cùng loại có thiết kế mẫu mã bao bì hao hao để chen chân vào các cửa hàng dược. Hơn nữa, công nghệ bao bì ở Việt Nam nay đều có thể làm được, khó chống.

Theo tôi, dược phẩm là mặt hàng thuốc trị bệnh cho con người đòi hỏi làm ăn đàng hoàng minh mạch. Người bệnh là một nỗi đau, đừng để người bệnh hao tốn tiền bạc mà tin vào thuốc trị nào ngờ lại là thuốc giả còn đau hơn. Cần phải cực lực lên án cách làm hàng giả, làm ăn gian dối này. Riêng Cty CP Dược HG đang chọn theo con đường đầu tư công nghệ thiết bị cao nâng cao kỹ thuật để có những sản phẩm chất lượng cao mà những DN khác khó bắt chước làm giả được.

Hữu Đức

Xem thêm

Bình luận mới nhất