Tăng tốc thi công, ổn định đời sống
Sau khi xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng tại các bon Bu K’rắc và Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng vào tháng 8/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng (trước đây là tỉnh Đắk Nông) đã nhanh chóng ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Đây là một trong bốn khu vực trọng điểm được xác định cần sớm di dời dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Khu vực bị sạt lở nằm sát nhà dân tại xã Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: PC.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án tái định cư với mục tiêu bố trí nơi ở ổn định cho 100 hộ dân, trong đó có 69 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và 31 hộ dự phòng. Tổng kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Dự án do Ban Quản lý các dự án và Phát triển quỹ đất khu vực Tuy Đức làm chủ đầu tư.
Theo UBND xã Quảng Trực, đợt sạt lở năm 2023 đã khiến nhiều căn nhà ở bon Bu Prăng 1A và Bu K’rắc bị nứt nền, nứt tường nghiêm trọng, đe dọa an toàn sinh mạng người dân. Một số tuyến đường giao thông bị gãy, sụt lún. Cùng với đó, nhiều diện tích nương rẫy xuất hiện vết nứt lớn, không thể canh tác. Đặc biệt, khu vực có nền địa chất yếu, dễ tái phát thiên tai khi vào mùa mưa nên yêu cầu di dời là cấp thiết.
Từ thực tế đó, dự án tái định cư đã được xác lập với quy mô hơn 6,1 ha, nằm trên vùng đất bằng phẳng, địa chất ổn định, giao thông thuận tiện, liền kề hồ thủy lợi có nguồn nước dồi dào quanh năm. Đây là điểm được đánh giá phù hợp để hình thành khu dân cư mới gắn với phát triển sinh kế bền vững.
Từ đầu năm 2024, Ban Quản lý các dự án và Phát triển quỹ đất khu vực Tuy Đức đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị thi công tổ chức triển khai đồng loạt các hạng mục. Trong đó, tập trung hoàn thiện đường giao thông nội khu, lắp đặt hệ thống điện, nước sinh hoạt, thoát nước, xây dựng bờ kè chống sạt lở, đảm bảo yêu cầu hạ tầng cơ bản phục vụ đời sống người dân.

Khu vực bố trí tái định cư nằm trên vùng đất bằng phẳng, địa chất ổn định, giao thông thuận tiện, liền kề hồ thủy lợi có nguồn nước dồi dào quanh năm. Ảnh: PC.
Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài trong quý IV/2024 và quý I/2025 khiến một số hạng mục chậm tiến độ. Tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến hết tháng 6/2025. Đây cũng là thời điểm mùa mưa bắt đầu tại khu vực Tây Nguyên nên các đơn vị thi công đang tranh thủ điều kiện khô ráo của tháng 7 để đẩy nhanh tiến độ.
Theo đại diện Ban Quản lý, tính đến giữa tháng 7/2025, dự án đã đạt khoảng 95% khối lượng công việc. Với tinh thần khẩn trương, an toàn và bền vững, đơn vị đã xin UBND tỉnh cho phép gia hạn thêm 2 tháng, đến cuối tháng 8/2025 để hoàn tất những hạng mục cuối cùng, kiểm tra, nghiệm thu và chính thức bàn giao cho người dân vào sinh sống.
Gắn tái định cư với phát triển bền vững
UBND tỉnh Lâm Đồng xác định tái định cư không chỉ là việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, mà phải đảm bảo ổn định đời sống lâu dài, bền vững cho người dân. Do đó, song song với việc đầu tư hạ tầng thiết yếu, tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp xây dựng phương án hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để người dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Theo đại diện lãnh đạo xã Quảng Trực, tỉnh Lâm Đồng, địa phương xác định tái định cư không chỉ là xây nhà mà còn là tạo điều kiện để bà con yên tâm sinh sống, sản xuất, không quay lại vùng nguy hiểm. Do vậy, sau khi bàn giao mặt bằng, xã sẽ hỗ trợ bố trí đất sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục và chính sách để bà con ổn định cuộc sống, nhất là vào mùa mưa năm nay.

Các hạng mục phục vụ nhu cầu của người dân tại khu vực tái định cư đang được hoàn thiện. Ảnh: PC.
Việc triển khai dự án tái định cư vùng sạt lở tại xã Quảng Trực là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đối với công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai gắn với bảo vệ đời sống nhân dân. Dù có sự chuyển tiếp trong bộ máy hành chính sau khi sáp nhập các tỉnh thành nhưng các chủ trương, chính sách nhân văn, thiết thực vẫn được duy trì xuyên suốt.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét, ngập úng tại một số địa phương để có phương án ứng phó kịp thời. Tái định cư là một phần trong chiến lược tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, được tích hợp vào các chương trình phát triển nông thôn, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tỉnh cũng yêu cầu các xã, sở ngành tăng cường phối hợp, giám sát tiến độ các công trình phòng, chống thiên tai, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về các dấu hiệu cảnh báo thiên tai, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, tỉnh Lâm Đồng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao về thiên tai, sạt lở. Dự án tại xã Quảng Trực là bước đi thiết thực, thể hiện rõ trách nhiệm của chính quyền đối với những người dân ở vùng rốn thiên tai, mở ra cơ hội mới để ổn định và phát triển lâu dài.