Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Dữ liệu được phân tích bởi các chuyên gia độc lập trên cơ sở điểm thi do các Sở GD-ĐT gửi về. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng trường THPT đã đưa ra những nhận định khách quan, tích cực về chất lượng đề thi và phổ điểm năm nay.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên có gần 1,2 triệu thí sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Hoàng Hiền.
Phổ điểm phân hóa rõ, phản ánh đúng năng lực học sinh
GS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá phổ điểm năm nay mang nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt ở môn Toán - vốn được xem là “thước đo” năng lực tư duy của học sinh. Ông cho rằng: “Đề thi Toán năm nay được xây dựng tốt hơn tôi kỳ vọng. Điểm trung bình thấp không phải là thất bại, mà là minh chứng cho việc đề thi yêu cầu học sinh phải tư duy, hiểu bản chất thay vì chỉ học thuộc. Đề không dễ dãi, không đánh đố, phân loại học sinh rất rõ rệt - đó là điều đáng ghi nhận”.
Ở môn Ngữ văn, môn duy nhất thi tự luận, dù đề không sử dụng ngữ liệu quen thuộc từ sách giáo khoa, phổ điểm vẫn cao. Theo GS Đức, điều này cho thấy hướng ra đề phù hợp với trình độ học sinh, đồng thời thể hiện khả năng thích ứng nhanh của các em với yêu cầu mới.
Với môn Tiếng Anh, GS Đức nhận xét phổ điểm năm nay có chuyển biến tích cực. Việc các tỉnh miền núi như Điện Biên xuất hiện trong nhóm dẫn đầu về điểm trung bình phản ánh hiệu quả đầu tư giáo dục ở vùng khó. “Chất lượng giảng dạy tiếng Anh vẫn phụ thuộc nhiều vào giáo viên và điều kiện học tập, nhưng tôi tin lộ trình đổi mới sẽ mang lại kết quả rõ ràng hơn trong thời gian tới”, ông cho biết.

GS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá phổ điểm năm nay mang nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: Lan Chi.
Đối với các môn Hóa, Sinh – những môn có tỷ lệ điểm thấp hơn, GS Đức cho rằng đây không phải hiện tượng bất thường, bởi số lượng thí sinh chọn các môn này để xét tuyển tổ hợp cũng giảm mạnh. Điều này phản ánh xu hướng lựa chọn thực tế và có định hướng rõ ràng hơn của học sinh.
Chương trình mới đánh giá toàn diện và đúng năng lực học sinh
Những nhận định của GS Đức cho thấy hiệu quả bước đầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Cũng đánh giá về chương trình này, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ghi nhận chuyển biến rõ rệt trong cách học và thi của học sinh. “Năm nay, các em được chọn thi những môn đúng với sở trường. Điều đó giúp việc học hiệu quả hơn, tâm lý vững vàng hơn và kết quả phản ánh đúng năng lực. Qua 3 năm triển khai chương trình mới, học sinh đã trưởng thành rõ rệt, có định hướng nghề nghiệp cụ thể hơn”, cô Quỳnh nói thêm.
Cô Quỳnh nhấn mạnh, việc đổi mới đề thi, đặc biệt với các môn Toán, Tiếng anh đòi hỏi giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy từ sớm. “Không thể chỉ dạy mẹo hay học thuộc mẫu. Học sinh cần được trang bị khả năng hiểu và vận dụng kiến thức từ lớp 10 chứ không đợi đến lớp 12. Đây là một quá trình khó khăn nhưng cần thiết để học sinh có thể đáp ứng yêu cầu kỳ thi và cả trong cuộc sống”, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức nhận định.
Những chuyển biến tích cực trên cũng được ghi nhận từ góc độ quản lý giáo dục ở địa phương. Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, một trong những địa phương có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước bày tỏ sự hài lòng: “Phổ điểm Toán năm nay cho thấy mức độ phân hóa rõ rệt. Dù điểm trung bình không cao nhưng rất hợp lý, không còn tình trạng “đánh bừa” mà vẫn đạt điểm cao như trước. Đề thi buộc học sinh phải tư duy, phải hiểu mới làm được. Kỳ thi đã dần tiệm cận chuẩn đánh giá năng lực quốc tế”.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ghi nhận chuyển biến rõ rệt trong cách học và thi của học sinh. Ảnh: Trần Hiệp.
Ông Thành cũng đánh giá cao việc một số tỉnh miền núi, trong đó có Điện Biên vươn lên ở môn Tiếng Anh. “Kết quả này không ngẫu nhiên, mà là thành quả của quá trình đầu tư bài bản và đổi mới phương pháp dạy học”, ông nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã hoàn thành tốt sứ mệnh đánh giá học sinh theo hướng toàn diện và thực chất hơn.
Trước đó, một số ý kiến cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, đặc biệt ở môn Toán và Tiếng Anh, là quá khó. Phản hồi về ý kiến này, Bộ GD-ĐT cho biết cần có cái nhìn toàn diện sau khi có kết quả chấm thi. Đồng thời, Bộ đã cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về phổ điểm, điểm thi đến thí sinh và toàn xã hội, đảm bảo minh bạch và công khai.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, phổ điểm năm nay phản ánh rõ chất lượng thực tế của kỳ thi, từ khâu ra đề, tổ chức thi đến công tác tuyển sinh. Phổ điểm có độ tin cậy cao, đủ sức làm căn cứ xét tuyển đại học và cung cấp dữ liệu đánh giá chất lượng dạy học phổ thông. Đáng chú ý, tại một số địa phương vùng khó như Gia Lai, An Giang, học sinh đạt điểm cao ở môn Tin học, cho thấy hiệu quả của các chính sách giáo dục đang dần phát huy tác dụng.