Đảm bảo công bằng, tăng tính thực tiễn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trên tinh thần đổi mới toàn diện, từ cách tổ chức đến cấu trúc đề thi. Đây là kỳ thi đầu tiên có gần 1,2 triệu thí sinh theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, với mục tiêu không chỉ xét tốt nghiệp mà còn làm cơ sở để tuyển sinh vào đại học và cao đẳng. Tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ định dạng đề thi, công tác tổ chức, giám sát cho đến truyền thông, đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và giàu tính nhân văn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên có gần 1,2 triệu thí sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Hoàng Hiền.
Một trong những điểm nhấn nổi bật là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sớm cấu trúc và định dạng đề thi từ cuối năm 2023. Việc này không chỉ tạo điều kiện cho học sinh và nhà trường chủ động trong quá trình dạy học, ôn luyện mà còn góp phần đảm bảo tính công bằng, hạn chế học tủ, học lệch.
Đề thi được xây dựng dựa trên chương trình GDPT 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa cần thiết để đáp ứng mục tiêu “2 trong 1”: vừa xét tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh. Đặc biệt, các câu hỏi có xu hướng tăng tính thực tiễn, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống, thay vì học thuộc lòng máy móc.
Trước khi tổ chức kỳ thi chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng một số đề thi và triển khai thử nghiệm rộng khắp với khoảng 12.000 học sinh trên toàn quốc, bao gồm cả các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện học tập còn nhiều khó khăn. Kết quả thu được từ đợt thử nghiệm này đã được phân tích kỹ lưỡng bằng các phương pháp khảo thí hiện đại, từ đó điều chỉnh đề thi cho phù hợp hơn với thực tế năng lực học sinh và yêu cầu của chương trình mới.
Việc tổ chức thi thử nhưng vận hành thật tại các địa phương trong tháng 4 và 5/2025 cũng là một sáng kiến đáng ghi nhận. Mô hình “thi thử nhưng làm bài thật” giúp thí sinh làm quen với quy trình, đồng thời giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục từng bước tiếp cận thực tiễn tổ chức thi mới một cách nghiêm túc.
Toàn bộ quy trình từ sao in đề, coi thi đến thu bài, bảo mật đều được thực hiện nghiêm ngặt như kỳ thi chính thức. Từ kết quả thi thử, các địa phương có thêm căn cứ để đánh giá thực chất việc dạy và học, từ đó tổ chức ôn tập phân hóa, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh.
Một điểm mới đáng chú ý là công tác ôn tập theo quy định Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được tổ chức khoa học, đúng hướng dẫn và tuyệt đối không thu tiền. Các nhà trường tăng cường hoạt động trải nghiệm, thảo luận nhóm, sử dụng ngữ liệu đa dạng ngoài sách giáo khoa để rèn luyện kỹ năng xử lý thông tin cho học sinh. Học sinh được khuyến khích tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn, rèn luyện tư duy linh hoạt, làm chủ kiến thức thay vì học thuộc lòng.
Công tác tổ chức thi cũng được triển khai một cách bài bản. Với hơn 2.490 điểm thi và gần 50.000 phòng thi trên cả nước, kỳ thi năm nay có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu cơ sở vật chất đến nhân lực. Hệ thống đăng ký dự thi trực tuyến hoạt động ổn định, thuận lợi, bảo đảm mọi thí sinh đều có thể đăng ký dễ dàng, không phát sinh lỗi hệ thống hay ùn tắc.

Lực lượng sinh viên tình nguyện Khoa Tâm lý học - Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn túc trực để hỗ trợ học sinh và phụ huynh. Ảnh: Hoàng Hiền.
Hơn 1,16 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có gần 98% thí sinh theo chương trình GDPT 2018, phản ánh sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống GDPT. Đáng chú ý, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99,3%, cho thấy tính nghiêm túc và quyết tâm cao từ cả thí sinh lẫn các nhà trường.
Tiền đề cho đổi mới giáo dục
Những con số ghi nhận được từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là minh chứng rõ nét cho sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả và đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động gần 6.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học thực hiện công tác kiểm tra coi thi tại tất cả các điểm thi.
Kỳ thi còn vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ và các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia trực tiếp kiểm tra tại nhiều địa phương, thể hiện cam kết chính trị rõ ràng trong việc đảm bảo kỳ thi công bằng, minh bạch, đúng quy định.
Điểm đáng chú ý trong kỳ thi năm nay, đó là chỉ có 41 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại hoặc tài liệu vào phòng thi, một con số rất thấp nếu so với quy mô gần 1,2 triệu thí sinh. Điều này cho thấy ý thức chấp hành quy chế của thí sinh ngày càng được nâng cao, đồng thời phản ánh hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn từ trước kỳ thi.
Về mặt chuyên môn, đề thi các môn được đánh giá là bám sát định dạng đã công bố, có tính phân hóa rõ nét, phù hợp với chương trình GDPT 2018. Mặc dù một số ý kiến cho rằng đề Toán và Tiếng Anh có phần khó hơn so với năm trước, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc này nằm trong chủ trương đổi mới để tiến tới đánh giá năng lực một cách toàn diện, phục vụ đúng yêu cầu tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 16/7/2025, sớm hơn so với năm trước, giúp thí sinh có thêm thời gian chuẩn bị cho quá trình xét tuyển.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng các kịch bản xử lý tình huống bất thường, tổ chức tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ, giám sát, thanh tra. Hệ thống công nghệ, phần mềm phục vụ kỳ thi vận hành ổn định, không xảy ra sự cố kỹ thuật nào đáng kể. Tất cả điều đó góp phần tạo nên một kỳ thi an toàn, minh bạch, nghiêm túc và hiệu quả.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức trong bối cảnh chương trình GDPT mới đang đi vào giai đoạn then chốt. Việc tổ chức thành công kỳ thi không chỉ tạo tiền đề cho việc đổi mới giáo dục, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.
Thành công của kỳ thi năm nay là kết quả của sự nỗ lực chung giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương, nhà trường, đội ngũ giáo viên và đặc biệt là hơn một triệu học sinh cả nước - những người đang mang theo kỳ vọng, ước mơ và khát vọng chinh phục tương lai.