214 con lợn chết
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đông (TP Huế) cho biết, từ tháng 6 đến nay, qua thống kê, tại xã có 214 con lợn chết chưa rõ nguyên nhân, tập trung ở 5 thôn: A Xách (3 hộ, 77 con), La Vân (5 hộ, 31 con), Phú Thuận (1 hộ, 7 con), thôn 8 (9 hộ, 72 con), thôn 9 (2 hộ, 27 con).

Lợn chết được người dân chôn lấp và khử trùng theo đúng quy định. Ảnh: V.D
UBND xã Nam Đông đã phối hợp cùng cơ quan thú y đến các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình kiểm tra, lấy mẫu, xử lý phun kháng sinh, khử trùng. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, giết mổ mà tiêu hủy theo quy định, hỗ trợ vệ sinh, xử lý môi trường quanh khu vực chuồng trại.
“Đa phần lợn chết xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Số liệu được chúng tôi cập nhật hàng ngày để kịp thời xử lý. Nguyên nhân dịch bệnh khiến lợn chết hàng loạt vẫn đang được cơ quan thú y lấy mẫu, kiểm tra. Địa phương chưa ghi nhận trường nào nào mắc liên cầu lợn. UBND xã cũng đã có văn bản yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”, ông Bé nói.
Ông Cao Việt Hùng (63 tuổi, trú thôn 9, xã Nam Đông) thông tin, gia đình ông có đàn lợn 25 con, hiện gần nửa đàn đã chết, ước tính thiệt hại lên đến gần 150 triệu đồng.
Ông Hùng kể, cách đây khoảng hơn 1 tháng, tại thôn cạnh bên có tình trạng lợn chết. Đến ngày 1/7, một con lợn mẹ trong đàn có các triệu chứng mệt mỏi, da ửng hồng, bỏ ăn, dưới hàm và trên da lợn xuất huyết đỏ.
“Khi phát hiện lợn bị bệnh, tôi đã báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y khu vực đến kiểm tra. Dù tiêm thuốc nhưng sức khỏe của lợn vẫn không tiến triển và ít ngày sau đã chết. Bệnh nhanh chóng lan ra nhiều con khác trong chuồng, các triệu chứng tương tự xuất hiện. Đến nay nửa đàn không còn…”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, gia đình không bán rẻ hay giết mổ số lợn chết mà mang đi chôn tại hố được đào trong vườn, xử lý khử trùng hố chôn và chuồng nuôi theo quy định. Ngoài ra, ông Hùng cũng đào sẵn thêm nhiều hố chôn để nếu lợn tiếp tục chết thì sẽ tiến hành chôn ngay.

Người dân đào sẵn thêm các hố ngay tại vườn nhà, nếu lợn tiếp tục chết sẽ tiến hành chôn ngay. Ảnh: V.D
Xã Nam Đông là xã miền núi, thành lập từ việc sáp nhập các xã Hương Sơn, Hương Xuân, Thượng Nhật của huyện Phú Lộc (cũ). Nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế) cho biết, lợn của người dân chết chủ yếu chăn nuôi tự phát, chính quyền đã và đang yêu cầu người dân kê khai và đăng ký theo mẫu, đúng quy định.
Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt
Theo Sở Y tế TP Huế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát hiện 38 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Các ngành liên quan đã tổ chức điều tra dịch tễ, xác minh và xử lý ổ dịch theo quy định ngay khi phát hiện ca bệnh. Lợn nghi bệnh tại các lò mổ, khu vực chăn nuôi lợn sẽ được tiêu hủy.
Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng lợn hoặc thịt lợn chưa nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc lợn chết bất thường, sử dụng thịt lợn rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng găng tay, khẩu trang và rửa tay kỹ bằng xà phòng khi chế biến thực phẩm, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời…

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện tại tình hình dịch bệnh ở lợn trên địa bàn TP Huế đang được kiểm soát tốt. Ảnh: V.D
Ông Nguyễn Đình Đức – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế khẳng định, hiện nay, dịch bệnh trên đàn lợn đang được kiểm soát tốt. Ngành nông nghiệp đã triển khai hiệu quả các biện pháp tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
“Tại TP Huế nuôi lợn ở mật độ thấp, xa khu dân cư và nuôi theo hướng địa phương, các hộ nuôi phải kê khai nên địa phương chủ động quản lý. Mặc dù thành phố vẫn ghi nhận một số ổ dịch tả lợn, dịch tai xanh nhỏ lẻ, cục bộ nhưng đều được phát hiện kịp thời, tổ chức tiêu hủy và khống chế triệt để, không để lây lan diện rộng”, ông Đức cho hay.
Liên quan đến bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người, qua kết quả lấy mẫu tại khu vực sinh sống của các bệnh nhân mà ngành thú y TP Huế điều tra cho thấy, không phát hiện lợn mang mầm bệnh, thậm chí nhiều gia đình không chăn nuôi lợn.
“Từ thực tế này, có thể khẳng định nguồn lây không đến từ đàn lợn đang được quản lý trên địa bàn. Bà con có thể yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y, không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, cũng lưu ý cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, chế biến thịt kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm”, ông Đức nhấn mạnh.
Hiện nay, TP Huế có khoảng 10 trại lợn quy mô lớn và vừa, hơn 42 hộ dân và 2 hợp tác xã chăn nuôi lợn hữu cơ, an toàn sinh học theo chuỗi giá trị. Tổng đàn lợn của thành phố ước đạt hơn 150.000 con.