| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng Anh công bố 'liên minh' sẵn sàng đưa quân đến Ukraine

Thứ Hai 03/03/2025 , 08:44 (GMT+7)

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố, Anh và Pháp sẽ dẫn đầu một 'liên minh' sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả triển khai quân đội.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, Canada và Ukraine nhóm họp tại London hôm 2/3. Ảnh: RTE.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, Canada và Ukraine nhóm họp tại London hôm 2/3. Ảnh: RTE.

Tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở London hôm 2/3, sau chuyến thăm thất bại của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đến Washington, ông Starmer nhấn mạnh sự cần thiết của EU và các đồng minh khác trong việc đứng lên và đóng vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ Kiev. Thừa nhận một số quốc gia không có nhiều để đóng góp, ông kêu gọi những nước sẵn sàng nên hành động ngay lập tức.

"Không phải quốc gia nào cũng cảm thấy có thể đóng góp, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta ngồi yên. Thay vào đó, những nước sẵn sàng sẽ tăng cường lập kế hoạch ngay từ bây giờ. Vương quốc Anh sẵn sàng ủng hộ điều này bằng cách triển khai quân đội và máy bay đến Ukraine, cùng với các nước khác", ông Starmer nói với báo chí.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, quân đội châu Âu sẽ chỉ được triển khai khi tình hình trên thực địa an toàn. Ông đề xuất một "thỏa thuận ngừng bắn tạm thời kéo dài một tháng trên không, trên biển và cơ sở hạ tầng năng lượng", một ý tưởng mà Moscow trước đây đã lên án là một mưu đồ của phương Tây nhằm tái vũ trang và củng cố Kiev.

"Sẽ không có quân đội châu Âu trên đất Ukraine trong những tuần tới", ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với Le Figaro. "Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể sử dụng thời gian này để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Các cuộc đàm phán sẽ kéo dài vài tuần, và sau đó, khi hòa bình được ký kết, chúng ta sẽ triển khai quân đội đến Ukraine".

Moscow đã nhiều lần phản đối một lệnh ngừng bắn tạm thời tương tự như các thỏa thuận Minsk trước đây, nhấn mạnh vào một thỏa thuận vĩnh viễn, ràng buộc về mặt pháp lý để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Lệnh ngừng bắn Minsk, bề ngoài nhằm đóng băng cuộc xung đột giữa Kiev và Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, trên thực tế chỉ là "một nỗ lực để cho Ukraine thời gian" xây dựng lực lượng, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận vào năm 2022.

Hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của một số nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Anh Starmer, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và những người khác, cùng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

Thủ tướng Trudeau không loại trừ khả năng triển khai quân đội đến Ukraine, nói rằng Ottawa "đã xem xét những biện pháp hỗ trợ tốt nhất, và như tôi đã nói vài ngày trước, mọi thứ đều đã nằm trên bàn làm việc".

Tuy nhiên, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tuyên bố, nước này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào cho việc triển khai quân đội và nhấn mạnh: "sự hiện diện của quân đội Ý ở Ukraine chưa bao giờ nằm trong chương trình nghị sự".

Ông Tusk lưu ý, các nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc đề xuất một lập trường có hệ thống để định hình các đảm bảo an ninh trong tương lai cho Ukraine hoặc "một kế hoạch cụ thể cho các cuộc đàm phán" với Nga.

Moscow đã phản đối mạnh mẽ việc triển khai quân đội nước ngoài trái phép đến Ukraine, cảnh báo rằng nếu không có sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc, các lực lượng này sẽ được xem là mục tiêu hợp pháp.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói, ý tưởng triển khai quân đội nước ngoài đến Ukraine, chủ yếu do Pháp và Anh thúc đẩy, nhằm "tiếp tục thúc đẩy cuộc xung đột và ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạ nhiệt nó". Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc EU và Anh bước vào "con đường quân phiệt".

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Tìm kiếm cơ chế tài chính cho Hiệp định bảo tồn đa dạng sinh học biển

Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) là bước ngoặt trong quản trị biển quốc tế.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.