
Tác giả Lam Linh là một cây bút nữ chuyên viết về du lịch khám phá.
Thời thơ ấy luôn thật đẹp trong ký ức mỗi người. Thời thơ ấu dẫu lam lũ ở làng quê hay quanh quẩn ở phố thị vẫn để lại những câu chuyện khó phai. Thời thơ ấu của tác giả Lam Linh gói ghém trong cuốn sách “Nuốt hạt mọc cây” vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Tác giả Lam Linh tên thật là Lê Thu Thảo. Tác giả Lam Linh còn có một bút danh khác là Yếm Đào Lả Lơi. Tác giả Lam Linh từng ra mắt công chúng một số tác phẩm như “Gái phượt”, “Yếm đào du ký”, “Để con được bay”.
“Nuốt hạt mọc cây” là tập truyện ngắn tưởng chừng dành cho thiếu nhi, nhưng lại có sức hấp dẫn với người lớn. “Nuốt hạt mọc cây”mang thông điệp như chính tác giả thổ lộ “cuốn sách của một đứa 7X đã vào ngưỡng U50 nhưng dành cho tất cả mọi thế hệ 8X, 9X, 10X cùng rúc rích, khúc khích”.
“Nuốt hạt mọc cây” được viết vào thời điểm năm 2021, khi dịch bệnh khiến mọi công việc đình trệ, người người bị cách ly, Lam Linh cũng phải làm việc ở nhà. Và khi chứng kiến những đứa trẻ phải quanh quẩn trong bốn bức tường nhà chật hẹp, làm bạn với máy tính, tivi và internet đã khiến tác giả nhớ lại quãng thời gian thơ ấu của mình. Đó là thời bao cấp “tem phiếu” khác hẳn với bọn trẻ hiện giờ, những người bạn xung quanh là các anh chị hàng xóm, cây cỏ thiên nhiên, động vật nhà nuôi… Một thời tuy khó khăn nhưng tràn đầy niềm vui tuổi thơ, mặc sức tưởng tượng ra nhiều thứ hay ho về thế giới.

Cuốn sách "Nuốt hạt mọc cây" được ấn hành dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Theo chân nhân vật chính là “cái Hỉ”, cô con gái thứ hai nghịch ngợm trong một gia đình có bốn người con mà ba người con đầu đều là con gái: Hoan, Hỉ, Sung và đứa con trai duy nhất là thằng Sướng. Độc giả sẽ thấy mở ra trước mắt mình một thế giới bé thơ thời bao cấp tuy nghèo khó, chật vật nhưng đầy ắp niềm vui. Từ những hình ảnh quen thuộc như căn nhà có bờ tường bị vẽ chi chít những nét vẽ trẻ thơ, cho đến khóm rau, cây khế, con mèo, cái giếng nước mát lạnh, những món đồ từ đất nước Liên Xô và cả những người bạn ở đất nước đó; những trò chơi dân gian mà hẳn người lớn thế hệ trước đều từng được trải qua như nhảy dây, bắn chun, ô ăn quan, tắm mưa, đi xem chiếu bóng, nấu ăn bằng những vật dụng nhặt nhạnh trong nhà, xuống cống mò giun, thậm chí là đánh nhau với bạn hàng xóm để bảo vệ anh chị em mình.
Và hẳn ngày thơ bé chúng ta ai cũng đã từng nghe những câu “hù dọa” rất quen thuộc như: nuốt hạt (hoa quả) sẽ bị mọc cây trong bụng, tắm mưa sẽ bị cảm lạnh, chúi đầu vào đám bạn sẽ bị lây chấy trên đầu v.v… nhưng trẻ con mà, có mấy đứa để tâm đến những điều lo lắng của người lớn đâu. Chúng vẫn hồn nhiên, vô tư vui đùa, bỏ ngoài tai mọi thứ, bởi vì so với niềm vui mà thế giới rộng lớn mang lại thì những nỗi lo ấy chẳng thấm vào đâu.
Bốn chị em Hoan, Hỉ, Sung và Sướng đã cùng nhau trải qua một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm như vậy, không giàu có gì nhưng luôn vui vẻ và yêu đời. Như tác giả đã trải lòng, “Nó được sinh ra vào thời kỳ bao cấp, lớn lên trải qua thời kỳ mở cửa, sụp đổ của Liên Xô cùng vô vàn những thay đổi chóng mặt của thế kỷ mới. Nó giờ đã ngoài bốn mươi nhưng những ký ức tuổi thơ chưa bao giờ phai nhạt và mãi mãi không bao giờ quên được trong ký ức của nó. Nó, con Hỉ, đứa trẻ của một thời những năm 80, thế kỷ trước.”
Thông qua tập sách nhỏ này, độc giả như thấy hiển hiện trước mắt những kỷ niệm tràn ngập niềm vui và cả nỗi buồn, tiếc nuối; một khoảng trời thơ bé được tự do bay nhảy, trải nghiệm cùng thiên nhiên, gần gũi với cỏ cây, động vật của những đứa trẻ thời xưa. Đồng cảm với những đứa trẻ hôm nay sống trong điều kiện vật chất đủ đầy nhưng thiếu đi không gian vui chơi sáng tạo, tác giả đã viết cuốn sách này để hồi tưởng lại cuộc sống và thời thơ ấu đã trải qua.