Thi tuyển chức danh lãnh đạo không giống thi tuyển viên chức hay thi tuyển công chức. Đề án Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo được UBND TP.HCM đưa ra từ năm 2022, từng khiến dư luận háo hức xen lẫn băn khoăn.
Tuy nhiên, thông tin từ hội nghị tổng kết vừa được tổ chức sáng 6/8, thì việc thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương đã có những thu hoạch phấn khởi. Vì vậy, UBND TP.HCM quyết định thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở và tương đương, trong năm 2024.
Xưa nay vẫn truyền tụng câu cửa miệng “ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”. Chức danh lãnh đạo, bao gồm nhân sự quản lý và nhân sự quản trị, luôn đòi hỏi những tố chất riêng biệt. Nếu tìm kiếm chức danh lãnh đạo dựa theo nguyên lý “sống lâu lên lão làng” sẽ cực kỳ may rủi. Không phải cứ làm nhân viên lâu năm thì biết làm quản lý, không phải cứ làm quản lý lâu năm thì biết làm quản trị. Kinh nghiệm đi bộ chỉ đảm bảo cho một người khỏi vấp ngã trên con đường, cũng không thể nào giúp họ có khả năng nhảy cao hoặc chạy nhanh. Đành rằng có thể bồi dưỡng và đào tạo, nhưng trình độ cán bộ chưa bao giờ là bài toán có sẵn đáp án đúng mong đợi, thông qua những khóa chuyên tu dài hạn hay tập huấn ngắn hạn.
Ông bà ta từng nhắc nhở “một người biết lo bằng một kho người biết làm”. Thi tuyển chức danh lãnh đạo, chính là cuộc sàng lọc để có được “người biết lo”. Theo quy trình, “người biết lo” phải được quy hoạch và tựa như hạt giống được chăm chút thường xuyên. Cách làm này đúng đắn nhưng chưa hẳn chính xác tuyệt đối. Bởi lẽ, những nhân sự được quy hoạch lắm lúc chỉ chuyển động trong khu vực an toàn, trở thành hạt giống thiếu sự tương tác nắng mưa thực tế nên không thể đâm chồi nảy lộc. Vì vậy, thi tuyển chức danh lãnh đạo cũng tạo điều kiện cho nhân sự được quy hoạch có dịp tranh tài cùng những ứng viên khác, mà phô diễn đầy đủ năng lực bản thân.
Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo là một sáng kiến đáng hoan nghênh. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo nhận thức và khuyến khích các ứng viên tham gia. Đồng thời, công bố rộng rãi các tiêu chuẩn, tiêu chí, cách thức thi tuyển và mở nguồn đăng ký để đảm bảo minh bạch về điều kiện tham gia, mở rộng đối tượng dự thi.
Vì mang tính thí điểm, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo đang vấp phải một số vướng mắc như cơ sở pháp lý, tâm lý e dè của ứng viên cũng như sự lúng túng của các đơn vị. Vài tồn tại ấy không đáng lo ngại, khi nhịp sống sôi động đang đòi hỏi những giải pháp đột phá cho đất nước thịnh vượng. Trước mắt cần xác định, lãnh đạo là một nghề của “người biết lo”, chứ không phải thao tác của “người biết làm”.
Chính phủ đã mạnh dạn giao phó cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế cho một nữ cán bộ không xuất thân từ ngành chăm sóc sức khỏe, thì không cớ gì ở địa phương lại đắn đo chuyên môn của một quan chức cấp sở.