| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình: Tôn trọng ý kiến nhân dân khi đặt tên xã mới

Chủ Nhật 20/04/2025 , 21:18 (GMT+7)

Tỉnh Thái Bình đang khẩn trương triển khai quy trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Thái Bình khóa XX, kỳ thứ 42 đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Nghị quyết thống nhất Đề án, phương án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay. Nghị quyết thống nhất Đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với số lượng là 65 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp (60 xã và 5 phường) và tên gọi, trung tâm chính trị – hành chính xã, phường sau sắp xếp.

Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Thái Bình khóa XX, kỳ thứ 42 đã thống nhất phương án hợp nhất với tỉnh Hưng Yên, lấy tên tỉnh Hưng Yên. Ảnh: T.Đạt.

Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Thái Bình khóa XX, kỳ thứ 42 đã thống nhất phương án hợp nhất với tỉnh Hưng Yên, lấy tên tỉnh Hưng Yên. Ảnh: T.Đạt.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được triển khai quyết liệt và khẩn trương tại tỉnh Thái Bình. Cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc đặt tên gọi đơn vị hành chính mới sao cho dễ hiểu, dễ nghe và gắn liền với tập quán, văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương, phù hợp với đông đảo quần chúng nhân dân.

Đặt tên các xã, phường sau sắp xếp ngắn gọn, khoa học, có giá trị lịch sử

Huyện Vũ Thư dự kiến được chia thành 6 xã gồm: Vũ Thư, Thư Trì, Tân Thuận, Thư Vũ, Vũ Tiên và Vạn Xuân. Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư phân tích: Sở dĩ đặt tên gọi là xã Thư Trì, hay như xã Vũ Tiên bởi đây chính là hai huyện được sáp nhập thành huyện Vũ Thư ngày 17/6/1969. Còn xã Thư Vũ là lấy tên chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vũ Thư ra đời năm 1929.

Đây cũng là 1 trong 6 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Bình. Cũng như vậy, đặt tên xã mới là Vạn Xuân bởi tại đây có miếu Hai Thôn thuộc xã Xuân Hòa đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Ngôi miếu cổ thờ vua Lý Nam Đế, hằng năm có lễ hội Vạn Xuân nức tiếng gần xa. Huyện Vũ Thư dành nhiều thời gian, công sức để thảo luận, phân tích, lựa chọn đặt tên những xã, phường mới sao cho cô đọng, có ý nghĩa, hợp lòng dân nhất.

Địa bàn huyện Hưng Hà dự kiến chia thành 8 xã. Chính vì rất quan tâm đến việc đặt tên gọi sao cho ý nghĩa, chính quyền địa phương dự kiến đặt tên xã mới mang tên Tiên La là do tại đây có Cụm di tích cấp quốc gia đền Tiên La quy mô bề thế, lễ hội Tiên La thuộc danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016 và gắn bó với đời sống tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Sau khi sáp nhập xã Minh Tân, Độc Lập và Hồng An với nhau, huyện đặt tên chung cho xã mới là Lê Quý Đôn là bởi tại xã Độc Lập là nơi sinh thành danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và hiện có khu lưu niệm ông.

Với tinh thần tôn trọng nhân dân, để thống nhất đặt tên các xã mới, tổ lấy ý kiến các xã sẽ phân công cán bộ căn cứ danh sách và nhiệm vụ, đến từng hộ gia đình thực hiện nhiệm vụ phát phiếu lấy ý kiến cử tri, thu phiếu lấy ý kiến; sau đó kiểm phiếu, tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến trên địa bàn về UBND cấp xã.

Nhân dân tỉnh Thái Bình tích cực thi đua lao động, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Ảnh: Xuân Vũ

Nhân dân tỉnh Thái Bình tích cực thi đua lao động, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Ảnh: Xuân Vũ

Ngày 22/4, tỉnh Thái Bình sẽ lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Hiện nay danh sách cử tri được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và các địa điểm khác do UBND cấp xã quyết định, bảo đảm thuận lợi cho nhân dân theo dõi.

Thời gian kể từ ngày niêm yết đến hết ngày tổ chức phát phiếu lấy ý kiến nhân dân. Thời gian lấy ý kiến nhân dân tỉnh Thái Bình được thống nhất toàn tỉnh tổ chức vào ngày 22/4/2025. Thời gian hoàn thành lấy ý kiến chậm nhất đến 21 giờ ngày 22/4/2025.

Xem thêm
Thắp sáng tương lai cho người dân vùng sâu

BÌNH ĐỊNH Khi có điện lưới quốc gia, người dân làng vùng sâu Canh Tiến, huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) sẽ thoát khỏi cảnh đời tăm tối, mở ra hướng phát triển mới…