| Hotline: 0983.970.780

Sơn La lý giải hiện tượng hố sụt ở Mai Sơn

Thứ Hai 28/07/2025 , 08:14 (GMT+7)

SƠN LA Hiện tượng hố sụt bắt nguồn từ việc mạch nước ngầm bị khai thác quá mức, ảnh hưởng đến lớp đá vôi phía dưới lớp bê tông sân nhà.

Hiện tượng sụt lún chưa dừng lại

Đoàn công tác gồm đại diện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La vừa đến gia đình bà Vũ Thị Thủy (tiểu khu Quyết Thắng, xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La) để trực tiếp khảo sát hiện trường hố sụt xảy ra trước đó một ngày.

Phía trong miệng hố bị sụt ở Mai Sơn hiện rõ hang karst ngầm. Ảnh: Đức Bình.

Phía trong miệng hố bị sụt ở Mai Sơn hiện rõ hang karst ngầm. Ảnh: Đức Bình.

Qua đo đạc thực tế, miệng hố hiện rộng khoảng 6m, sâu hơn 5m tính từ mặt hố đến mực nước, bên dưới đã lộ rõ hệ thống hang karst ngầm. Nhiều mảng đất dưới lớp bê tông sân nhà bà Thủy tiếp tục rơi rụng tự nhiên, cho thấy hiện tượng sụt lún vẫn chưa dừng lại. Hiện tại hố sụt chưa lan ra tới đường Quốc lộ 6C phía trước nhà. Phương phát triển của hệ thống hang ngầm theo hướng gần Bắc - Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuấn giải thích cho bà con hiểu hơn về nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt hố. Ảnh: Đức Bình.

Ông Nguyễn Văn Tuấn giải thích cho bà con hiểu hơn về nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt hố. Ảnh: Đức Bình.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiến tạo - Địa mạo (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản), cho biết nguyên nhân đầu tiên của hiện tượng sụt lún bắt nguồn từ đặc điểm địa chất tự nhiên do các hang karst ngầm. Nền đất nơi đây nằm trên nền đất yếu và phía dưới là tầng đá vôi bị dập vỡ tạo hệ thống hang karst ngầm.

Hang karst ngầm hình thành từ quá trình địa chất như hoạt động đứt gãy làm cho đá vôi bị đập vỡ, cùng với sự hoạt động của nước ngầm làm cho đất đá bị bào mòn. Theo thời gian dẫn đến lớp đá vôi trần hang bị bào mòn không còn đủ khả năng chịu lực từ tải trọng bên trên (gồm đất, công trình, phương tiện giao thông...), dẫn đến sụp đổ và tạo thành hố sâu.

Ngoài yếu tố tự nhiên, việc các hộ dân khoan giếng sâu khai thác mạch nước ngầm phía dưới là nguyên nhân tác động thúc đẩy quá trình sụt lún.

Đá hộc được đổ đầy vào trong hố. Ảnh: Đức Bình.

Đá hộc được đổ đầy vào trong hố. Ảnh: Đức Bình.

Mạch nước ngầm suy giảm

Theo ông Lê Xuân Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Tài nguyên nước tỉnh Sơn La, mạch nước ngầm trong lòng đất đóng vai trò như lớp đệm giúp ổn định trần hang karst. Khi mực nước ngầm tụt giảm, áp lực đỡ trần phía trên không còn, trần hang dễ sập xuống, gây ra sụt lún.

Ông Bùi Xuân Anh, Trưởng tiểu khu Quyết Thắng cho biết: "Nhiều hộ phải khoan 3-4 lần mới trúng mạch . Các hoạt động này đều khoan rất sâu, không kiểm soát được lưu lượng".

“Chúng tôi khuyến cáo người dân dừng việc khoan giếng tìm nước ngầm để hạn chế nguy cơ sụt lún lan rộng, bởi đá vôi phía dưới khi mất đi sự nâng đỡ từ nước ngầm sẽ trở nên rất yếu”, ông Hùng cảnh báo.

Để xử lý dứt điểm hiện tượng sụt lún, các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng cần tiến hành khảo sát địa chất chi tiết để xác định chính xác phạm vi hang karst ngầm và mối liên hệ với mạch nước ngầm.

Quy trình gồm các công tác đo địa vật lý, khoan quan trắc thủy văn, khảo sát địa chất và đánh giá hiện trạng, nguy cơ sụt lún ở các khu vực xung quanh.

Hố đã được lấp đấy sau hơn 5 tiếng. Ảnh: Đức Bình.

Hố đã được lấp đấy sau hơn 5 tiếng. Ảnh: Đức Bình.

Hiện nay, một số người dân trong khu vực đã tự lấp cát để xử lý các hố nhỏ ở gần khu vực đất sản xuất, nhưng theo các nhà chuyên môn, cách làm này tiềm ẩn rủi ro lớn. Với các hố nông không liên quan đến mạch nước ngầm, có thể lấp bằng đất đầm chặt.

Tuy nhiên, đối với hố sâu liên quan đến mạch nước ngầm, phải lấp đúng kỹ thuật bằng cách đổ đá hộc lớn phía dưới, sau đó phủ cát sỏi phía trên. Nếu không làm đúng cách, toàn bộ lớp đá và đất sử dụng để lấp có thể bị nước ngầm cuốn trôi, gây ra tình trạng sụt trở lại.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Kiến tạo - Địa mạo đánh giá, để lấp đầy hố sụt lún có chiều rộng 8m, sâu gần 6m, cần sử dụng tới khoảng 300 m3 đá hộc tương ứng với 30 xe đá 10 m3.

Xem thêm

Bình luận mới nhất