| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam phấn đấu hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/10/2025

Thứ Ba 29/04/2025 , 16:37 (GMT+7)

Quảng Nam sẽ tập trung ưu tiên hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho đối tượng thuộc người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trước ngày 27/7.

5 kinh nghiệm trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam, từ khi Thủ tướng phát động đến ngày 20/4/2025, toàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai xóa 2.395 căn/7.025 căn nhà tạm, nhà dột nát, đạt tỷ lệ 34,09%, số nhà còn lại phải thực hiện năm 2025 là 4.630 căn, tỷ lệ 40,18%.

Việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian vừa qua cũng gặp một số khó khăn, qua đó, Quảng Nam cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Các lực lượng xung kích ở địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ các hộ gia đình về nhân lực nhằm giảm chi phí xây dựng nhà mới. Ảnh: Báo Nhân dân.

Các lực lượng xung kích ở địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ các hộ gia đình về nhân lực nhằm giảm chi phí xây dựng nhà mới. Ảnh: Báo Nhân dân.

Một là, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, hành động từ nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, của Ban chỉ đạo các cấp; đồng thời phải có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên với tinh thần quyết tâm chí trị cao. Đây không chỉ là thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà là tình cảm tri ân sâu sắc với người có công với nước, với các gia đình nghèo, cận nghèo. Đây cũng là nhân tố quyết định thành công trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Hai là, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân; tinh thần chủ động, tích cực của hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ba là, phát huy mạnh mẽ vai trò của công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện, hỗ trợ kinh phí, vật tư, nhân lực cho hộ gia đình trong tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Bốn là, phải chủ động trong tổ chức thực hiện, phân bổ và sử dụng nguồn lực thực hiện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải thống nhất, đồng bộ từ khâu lập, ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ, rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, tổ chức tuyên truyền vận động, phân bổ kinh phí đến khâu theo dõi tiến độ, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thanh toán, quyết toán kinh phí và tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện với cấp trên. Phải thường xuyên giao ban, trực báo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở.

Năm là, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho Chương trình; mặt khác, kịp thời phê bình, kiểm điểm những tập thể, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát; lấy mức độ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn làm tiêu chí đánh giá, xếp loại tập thể và người đứng đầu của địa phương.

Xóa 4.630 căn nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Trong thời gian tới, Quảng Nam đặt mục tiêu tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò của Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực các cấp.

Hoàn thành việc hỗ trợ 4.630 căn nhà còn lại trong năm 2025, trong đó tập trung hỗ trợ thực hiện, hoàn thành xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trước ngày 27/7/2025.

Rà soát, lập danh sách những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (hộ không có khả năng lao động, không có khả năng đóng góp kinh phí, vật tư để làm nhà theo các mức hỗ trợ của Chương trình) cần hỗ trợ để phân công cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên nhận hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà.

Từ những nỗ lực xóa nhà tạm của tỉnh Quảng Nam, đồng bào các huyện miền núi của tỉnh đã được an cư. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Từ những nỗ lực xóa nhà tạm của tỉnh Quảng Nam, đồng bào các huyện miền núi của tỉnh đã được an cư. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Tiếp tục huy động nguồn lực (kinh phí, nhân lực, vật tư) để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; những trường hợp đặc biệt, gia đình không có khả năng đóng góp kinh phí làm nhà, khuyến khích địa phương, đơn vị nhận đỡ đầu huy động kinh phí, vật tư, nhân lực để hỗ trợ làm nhà đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và hoàn thành trước 31/10/2025.

Duy trì chế độ họp giao ban, trực báo định kỳ để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đôn đốc các địa phương chậm triển khai, chậm giải ngân, còn nhiều nhà tạm, nhà dột nát, nhất là nhà tạm, nhà dột nát của người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Chương trình của Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện tại cơ sở; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không đảm bảo chất lượng, không đúng đối tượng hoặc chậm tiến độ.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, báo cáo, quản lý danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; thực hiện công khai, minh bạch danh sách đối tượng được hỗ trợ trong quá trình thực hiện.

Xem thêm
Phú Thọ, vì sao người Mường ruồng bỏ nhà sàn?: [Bài 2] Cốt không hồn

Anh Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết trước năm 2000 gần như 100% người Mường trong xã đều ở nhà sàn.