“Phao cứu sinh” cho người lao động mất việc làm
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có ý nghĩa rất nhân văn, được ví như “chiếc phao cứu sinh” giúp người lao động (NLĐ) khi mất việc làm.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, khi tham gia BHTN, người lao động được hưởng nhiều quyền lợi. Ảnh: Trung Quân.
NLĐ tham giao đóng BHTN sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: được hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp trong thời gian bị thất nghiệp; hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề để thuận lợi quay trở lại thị trường lao động…
Nhờ có các chính sách hỗ trợ, nhiều NLĐ đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm, tạo thu nhập ổn định. Từ đó, góp phần ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận hơn 23.000 hồ sơ của NLĐ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2024 (hơn 28.600 hồ sơ).
Để giúp NLĐ thuận lợi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm đang triển khai đồng thời 2 hình thức tiếp nhận: NLĐ nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của trung tâm và nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ khi hình thức nộp hồ sơ trực tuyến được áp dụng đến nay, số người NLĐ đến làm việc trực tiếp đã giảm đáng kể. Theo thống kê, có khoảng 90% số NLĐ nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, khi đến đăng ký hưởng chính sách BHTN, NLĐ được cán bộ trung tâm tư vấn chỉ tiêu của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh lân cận có nhu cầu tuyển dụng, qua đó giúp NLĐ có điều kiện tiếp cận sớm thông tin, thuận lợi tìm được việc làm.
Đồng thời, hàng năm, trung tâm tổ chức hơn 200 phiên giao dịch việc làm (phiên giao dịch việc làm hàng ngày, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện có thị trường lao động phát triển; phiên giao dịch việc làm online gắn kết với các tỉnh phía Bắc và toàn quốc có nhu cầu tuyển dụng; phiên giao dịch việc làm chuyên đề…) để mở ra cơ hội việc làm nhiều nhất cho người lao động có nhu cầu tìm việc.
Ngoài ra, trung tâm tổ chức các hội nghị tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để thu hút các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép tham gia đào tạo nghề cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua đó, giúp họ có thể chuyển đổi nghề nghiệp để sớm tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu của thực tiễn.
Hiện nay, trung tâm có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đăng ký đào tạo nghề cho NLĐ hưởng trợ cấp BHTN. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp các khóa học đã có thể tự mình mở cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp về pha chế đồ uống, ẩm thực… tạo việc làm, thu nhập cho chính bản thân mình và giúp đỡ được nhiều người xung quanh.
Nắm vững các yêu cầu để tránh bị trả lại hồ sơ
Bà Vũ Thị Thanh Liễu cũng lưu ý, theo thống kê của trung tâm, số lượng NLĐ nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến chiếm 90%, tuy nhiên chỉ có khoảng 70% hồ sơ được phê duyệt, còn lại không đạt yêu cầu.

Người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo 2 hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Trung Quân.
Các hồ sơ bị trả lại chủ yếu do NLĐ ghi nhầm lẫn, không khớp các thông tin cá nhân với các loại giấy tờ bắt buộc (ví dụ: họ tên, tuổi, giới tính… không khớp với hợp đồng lao động, quyết định nghỉ việc). Ngoài ra, không đáp ứng đủ những tiêu chuẩn điều kiện theo quy định như không có tháng liền kề trước khi nghỉ việc hoặc nộp hồ sơ khi quá thời hạn 3 tháng (theo quy định, trong vòng 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu quá thời gian này nộp hồ sơ sẽ không được giải quyết); NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc…
Trung tâm Dịch vụ việc làm đã triển khai nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cổng thông tin… để NLĐ tiếp cận, nắm rõ, tránh những sai sót không đáng có. Tuy nhiên, bản thân NLĐ phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt, kiểm tra kỹ lưỡng các quyền, nghĩa vụ và những yêu cầu khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách BHTN để không mất thời gian, ảnh hưởng tới tâm lý và cuộc sống của mình.
“NLĐ càng hiểu thấu đáo những quy định, yêu cầu thì chính sách BHTN càng được thực thi hiệu quả; trở thành người bạn đồng hành, chia sẽ gánh nặng về tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm và tạo tiền đề, động lực để NLĐ sớm quay trở lại thị trường lao động, ổn định cuộc sống”, bà Vũ Thị Thanh Liễu đánh giá.