Bà Hà Thị Thi (thôn 2, xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) tranh thủ thời tiết hửng nắng ra đồng dựng mấy sào lúa vừa bị đổ rạp do trận mưa đá gây ra đêm 23/4. 4 sào lúa của bà Thi đang đang phơi màu có khả năng không đạt sản lượng như mong đợi. Ruộng lúa của nông hộ này dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ bước vào giai đoạn chắc xanh, nay chỉ sau một đêm đã bị đổ gập. Bông lúa ngâm nước, có nguy cơ thối hạt và mọc mầm.

Bà Thi cặm cụi dựng lại lúa bị đổ gãy do trận mưa đá gây ra. Ảnh: Quốc Toản.
Bà Thi vừa cặm cụi vừa lau mồ hôi nhễ nhại trên gò má chua chát mà rằng: “Tôi về làm dâu ở xã này đã lâu nhưng chưa bao giờ thấy khu đồng Đển bị ngập sâu và thiệt hại lớn như vậy. Mới chỉ một đêm mà 4 sào lúa Thái Xuyên đã ngập trắng. Đầu vụ, ước tính sản lượng đạt 3,5 tạ/sào nay cùng lắm chỉ đạt 1 tạ/sào, có nơi mất trắng. Nếu mấy ngày tới ông trời trút thêm trận mưa lớn nữa coi như nông dân trắng tay vụ này.
Lúa ngâm nước, nứt mầm để lâu cũng hỏng, bán chắc cũng không ai mua, nên dân xác định vớt vát làm thức ăn cho heo, cho gà. Phần thân lúa thì để làm thức ăn cho trâu, bò. Không chỉ gia đình tôi bị thiệt hại mà cả cánh đồng Đển rộng cả chục ha của người dân trong thôn đều bị hư hỏng”.

Cánh đồng ngô nằm rạp xuống đất vì mưa đá gây ra. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Nguyễn Văn Sáu (thôn Tân Thành, xã Thọ Hải) có diện tích 50ha ngô, sắn, đồng thời là hộ trồng lớn nhất huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên trận mưa đá đêm ngày 23/4 đã khiến toàn bộ khoảng 30ha ngô của gia đình gãy đổ, ước tính thiệt hại cả trăm triệu đồng.
“Vụ này tôi đầu tư khoảng 600 triệu đồng để sản xuất ngô sinh khối và ngô ngọt. Chỉ một đêm, mưa đá đã khiến toàn bộ diện tích ngô đang trong quá trình phát triển bị gãy ngang thân và không có khả năng hồi phục. Diện tích ngô bị thiệt hại không có khả năng thu hồi vốn vì chưa đạt chất lượng. Sản xuất nông nghiệp phải chấp nhận rủi ro, nhưng chưa năm nào nhà tôi mất trắng vụ ngô như năm nay”, ông Sáu cho biết và mong muốn các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ thiệt hại cho gia đình để có vốn tái đầu tư sản xuất.

Ngô đang trong giai đoạn đông sữa bị gãy đổ. Ảnh: Quốc Toản.
Theo quan sát, cả vùng trồng ngô lên tới hàng trăm ha tại xã Thọ Hải đang trong thời kỳ tạo bắp, đông sữa đổ rạp như ngả rạ. Nhiều ruộng ngô chỉ còn sót lại vạt ngô đầu bờ. Một số nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo ra đồng dựng lại cây chưa bị gãy bằng cách buộc thân ngô lại với nhau. Diện tích bị gãy gập được người dân cắt bỏ hoặc thu hoạch non do không thể phục hồi.
Theo UBND xã Thọ Hải, sau khi sự việc xảy ra, một số thương lái đã đặt vấn đề với bà con để thu mua diện tích ngô bị gãy, đổ, không có khả năng tái sinh để làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Tuy nhiên, do giá cả thu mua thấp nên một số hộ đã chặt về làm thức ăn cho trâu, bò. “Bình thường thương lái thu mua 1 triệu đồng/sào ngô, thế nhưng do ngô chưa đạt chất lượng nên họ trả trả 100 nghìn đồng/sào đối với ngô non và 300 nghìn đồng/sào đối với ngô sữa. Nhiều nông dân gần như mất trắng ruộng ngô chỉ sau một trận mưa đá”, chị Đinh Thị Phượng, cán bộ nông nghiệp xã Thọ Hải cho biết.

Mưa đá khiến nhiều ngôi nhà tại xã Xuân Hưng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị hỏng phần mái. Ảnh: Quốc Toản.
Theo lãnh đạo huyện Thọ Xuân, trận mưa đá hôm 23/4 khiến 675ha lúa, ngô, hoa màu tại huyện bị gãy, đổ. Trong đó xã Thọ Hải là một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn nhất với hơn 100ha ngô đang giai đoạn đông sữa, chắc hạt bị đổ gãy hoàn toàn; gần 7ha rau ăn lá bị dập và một số diện tích nhà lưới bị gió thổi rách.
Xã Xuân Hưng (Thọ Xuân) có hơn 108ha lúa và gần 100ha sắn bị đổ, gãy hoàn toàn. Ngoài ra, mưa đá đã khiến 38 ngôi nhà trong xã bị hư hỏng nặng phần mái ngói. Ở một số địa phương khác như xã Xuân Giang, Thọ Diên, thị trấn Sao Vàng của huyện Thọ Xuân cũng bị thiệt hại hoa màu do gió mạnh và mưa đá gây ra. Nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng hoặc cho năng suất không như kỳ vọng.
Trước tình hình trên đây, lãnh đạo huyện Thọ Xuân đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành và các đơn vị trong huyện khẩn trương hỗ trợ, phối hợp với bà con thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có báo cáo cụ thể thiệt hại do trận mưa đá đêm ngày 23/4 gây ra.
Trước đó, ngày 17/4/2024 trên địa bàn huyện xảy ra giông, lốc khiến 41 căn nhà bị tốc mái, tập trung tại xã Quang Chiểu (31 hộ) và xã Pù Nhi (8 hộ) và thị trấn Mường Lát (2 hộ). Ước tính thiệt hại 460 triệu đồng. Ngoài ra, giông lốc còn khiến Trường mầm non Pù Nhi bị tốc mái hiên nối giữa 2 phòng học. Nhà giáo viên tại điểm trường Pù Quăn bị tốc 5 tấm Proximăng; 1 cột điện tại bản Mờng, xã Quang Chiểu bị đổ chắn ngang đường tỉnh lộ 521E.