| Hotline: 0983.970.780

Những ngày xưa thân ái

Thứ Ba 22/04/2025 , 11:24 (GMT+7)

Không gian rộng hơn, Nông nghiệp và Môi trường, có tên là gì thì vẫn cứ là Đất nước, Nông nghiệp, Nông thôn và ấy là Nông nghiệp, là Môi trường của chúng ta.

Hà Nội những ngày đầu thập niên 2000, mùi than tổ ong ngự trị, chung cư cũ rêu phong, ô tô hãn hữu, xe máy mọi nguồn, miễn là chở đôi chở ba ở mọi địa hình. Chiếc Chaly nhà tôi là xe bãi Nhật chở hai "mống" ngon ơ, vi vu tận Đồ Sơn hoặc Đại Lải - Vĩnh Phúc. Nhắc để nhớ, rằng Thủ đô đã dễ thở nhưng chữ Nghèo đeo đẳng, giữa những con người đang cắm cúi bước ra từ nỗi ấy là sự thân ái, chắc chắn, cùng nghèo nên dễ dàng thân ái.

Tác phẩm của nhà văn Dạ Ngân trên Báo Nông nghiệp Việt Nam (cũ). 

Tác phẩm của nhà văn Dạ Ngân trên Báo Nông nghiệp Việt Nam (cũ). 

Đến tôi một lời mời: Phụ trách Trang Tư vấn gia đình (TVGĐ). "Chị là nhà văn đã có tuổi, thâm niên tâm lý trong văn của chị", nhà báo Lưu Trọng Văn khẳng định với chúng tôi, và thêm rằng “Chị chứ không ai khác gánh được việc này!”. Được lời như cởi tấm lòng, các bạn nghĩ về tôi như vậy thật sao? Bắt tay nhau, Dạ Hương là bút danh tòa soạn đặt. Nông nghiệp Việt Nam lợi thế lớn, không gian nông - lâm - ngư nghiệp, một guồng báo với số lượng cho một biển độc giả nông thôn, hệ thống ngành, hệ thống xã, lại thêm vô số điểm Bưu điện văn hóa. “Chị biết không - anh chị em trong tòa soạn khẳng định - rồi thư xin tư vấn sẽ dồn dập, chị ngộp thở đấy nhé!”.

Tự dưng ngày khởi mục trùng với sinh nhật con gái tôi, 23 tháng 8. Năm ấy, cháu ngoại tôi đã được hơn 4 tuổi. Một bà ngoại đã có 6 tập truyện ngắn, độc giả trang TVGĐ sẽ cho tôi quặng vỉa mà sau này tôi mới cân được nó nặng dường nào.

Những lá thư viết tay, rất nhiều câu chữ sai chính tả sai văn phạm, cho thấy ấy vùng sâu vùng xa không chỉ bằng con dấu bưu điện. Đã hình dung, như bạn đọc viết ra, rằng họ chờ báo ở Bưu điện văn hóa, chờ ở nhà nếu người thân làm việc ở xã và thường mang báo về cho họ đọc.

Có hàng vạn điểm Bưu điện văn hóa như vậy trong mạng lưới nông thôn cả nước, nơi người ta đến mua sim, mua card cho chiếc điện thoại “cùi bắp” thông dụng lúc đó. Và rồi, rồi dán mắt ở trang TVGĐ, là chuyện của ai đó ở đâu đó nhưng mà “hữu ích một cách kinh hoàng” (từ của một số bạn đọc trong ngành Nông nghiệp nói với tôi).

Cứ thế một guồng quay mà tôi không nghĩ nó bận bịu đến vậy. Muốn viết văn ư, tôi phải xin nghỉ phép ở cơ quan (báo Văn nghệ) rồi lên Nhà sáng tác Đại Lải viết bán sống bán chết. Mùa thu 2002, được phép 2 tuần, tôi xong truyện dài Miệt vườn xa lắm (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004). Tháng 7/2004, lại được phép 3 tuần, tôi xong tiểu thuyết Gia đình bé mọn 20 chương (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2005). Vậy đó, hầu như mỗi ngày một chương viết tay cả 2 cuốn ấy, nhưng…

Nhưng tôi còn “con mọn” là Trang TVGĐ, xử lý làm sao? Báo chuyển những phong thư của độc giả bằng đường phát nhanh Hà Nội - Đại Lải, tuần nào tôi cũng đi bộ ra Bưu điện văn hóa ở đầu dốc khu nghỉ dưỡng ấy. Tôi luôn mang theo sổ nhật ký thư (số thứ tự, vấn đề của thư và địa chỉ người gửi), cứ thế tôi viết tay (hồi ấy làm gì có laptop), tôi gửi lại tòa soạn cũng đường phát nhanh và rồi các em văn phòng sẽ đánh máy lại để lên trang.

Khi tôi về hưu, chuyển vào Sài Gòn (năm 2008), thư bưu chính thưa dần, thay vào là thư e-mail. Internet đã gần kín ở tận xã, "ngửi" thấy đời sống vật chất và dân trí nông thôn được nâng lên rõ rệt. Nhiều người có học (dù họ không xưng bằng cấp và không ghi địa chỉ cụ thể) nhưng đọc những lá thư mail dài những 3, 5, thậm chí 7 trang, tôi biết ấy là những người ở trong guồng, nghĩa là cán bộ các cấp huyện và xã, có thể cấp tỉnh nữa, với những vấn đề cá nhân riêng tư nhưng không thể nói rằng không có ích cho Trang TVGĐ với góc độ xã hội, góc độ báo chí.

Những gương mặt ra sao hồi năm 2001 ấy? Tôi 49 tuổi, sắp sửa tri thiên mệnh, đi dài từ Nam ra Bắc, tôi có trong trí nhớ bộ sưu tập chân dung nhiều cơ quan báo chí khắp nước. Ngay cơ quan báo mà tôi là một biên tập viên nòng cốt, tôi cũng không thể không thừa nhận vẻ xập xệ từ nhà cửa phòng ốc và cung cách. Tôi chấp nhận nhưng không quen với những tiểu tiết ấy. Hà Nội vẫn sau Sài Gòn về mặt phong cách công sở.

Tòa soạn Nông nghiệp Việt Nam chừng như không ở trong cảnh đồng dạng vừa nêu. Khăn lau bàn trà của Tổng Biên tập Lê Nam Sơn thật trắng. Phòng của Phó Tổng Biên tập Hà Xuyên thơm như tiếng đồn về nhan sắc của cô nàng. Phòng của Phó Tổng Biên tập Trịnh Bá Ninh đúng là một nơi hào sảng hàm lượng tri thức, thân tình hết mức. (Nói thêm, tôi phải nói thêm để đơn cử cho phong cách một công sở Hà Nội năm đó: restroom cực chuẩn với khăn lau tay máng bên lavabo sáng trắng, xà bông thơm cho rửa tay và giấy vệ sinh cuộn, khi ấy còn hiếm)…

“Nhìn cung cách tổ chức toà soạn, tôi tin ông là người chỉn chu, tiên phong và sẵn sàng cho những điều tốt đẹp” - (tôi và Lê Nam Sơn cùng tuổi, tôi hay xưng hô ông - tôi như vậy). Quả nhiên, những kỳ báo Xuân của Nông nghiệp Việt Nam xác nhận với tôi niềm tin ấy. Đẹp nhất, bài hay nhất, tập hợp nhiều anh tài làng Văn làng Báo (phía Bắc) nhất.

Ngắm Trịnh Bá Ninh vắt mình vào cữ báo Xuân thì thôi rồi, cận lồi thêm, góc cạnh hơn khiến Hà Xuyên phải chăm chút cánh làm nội dung kỹ hơn. Và Lê Nam Sơn dường như thâm hậu hơn, tầm ngầm mà như muốn nói: Hãy đợi đấy, nhiều bài sốc đấy, đang nín thở đấy! - cái ông Nghệ Tĩnh này quả không phải dạng vừa đâu.

Bài viết của nhà văn Dạ Ngân trên Báo Nông nghiệp và Môi trường số ra đầu tiên.

Bài viết của nhà văn Dạ Ngân trên Báo Nông nghiệp và Môi trường số ra đầu tiên.

Không phải số Tết nào tôi cũng có một suất, nhưng hễ là truyện ngắn thì phải là truyện tôi gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất cho Nông Nghiệp Việt Nam Tết. Cho đến hôm nay, dù ê kíp 5X ngày ấy chỉ là những bóng râm với các bạn trẻ 7X, 8X nhưng cốt cách như đã là gen của báo, một tờ Nông nghiệp Việt Nam có lẽ duy nhất dám in những bài phản biện mạnh mẽ, thậm chí chát chúa (hay là do ngài Bộ trưởng từng là cây viết báo cự phách khi còn ở tỉnh, với bút danh Xích Lô?)

Rất nhiều nhà văn chạy vạy viết nọ viết kia, làm thêm việc nọ việc kia để sống. Tôi, từ tuổi 49, cho đến khi 71 tuổi, tôi vẫn là cộng tác viên ruột rà của Nông nghiệp Việt Nam. Hơn 20 năm ký Dạ Hương, 3.554 kỳ thư lên báo, tôi nghĩ chúng tôi chịu ơn nhau, tòa báo đã tin yêu và chăm sóc tôi, nói thẳng là nuôi tốt nghề báo của tôi để tôi thong dong sinh kế mà viết văn.

Một cái cây chuyên gia tâm lý gia đình được gieo xuống và tỏa bóng, mang lại niềm an ủi cho mấy ngàn độc giả trực tiếp cùng hàng triệu độc giả của Báo Nông nghiệp Việt Nam nói chung. Tôi luôn nhớ đến những ngày thân ái ấy bằng sự mãn nguyện sâu sắc, chân thành. Không có gì qua đi mà không để lại gì, ấy là sự Tốt Đẹp viết hoa mà chúng tôi đã dành cho nhau trong chừng ấy năm dài.

Khi chuyên mục TVGĐ sắp kết thúc sứ mệnh trên báo giấy do Mạng xã hội thay thế bằng tư vấn trực tuyến, ê kíp Ban Biên tập trẻ của Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch đã lại “sử dụng” tôi cho tuần san Kiến thức gia đình. 240 tuần, gần 5 năm nữa chứ ít đâu. Bận rộn và no ấm. Viết tản văn, viết chính luận và được ký đích danh Dạ Ngân, thật là ngoạn mục những ngày này. Cho đến khi báo giấy tuần san cũng bị báo điện tử lên ngôi thay thế, như số phận của báo giấy toàn cầu.

“Những ngày xưa thân ái, tôi gởi lại cho em”, tôi hay ngân nga câu hát ấy khi ký ức lâng lâng thao thiết. Một trang khác đang mở ra, cho Nông nghiệp Việt Nam mà tôi hằng yêu quý. Không gian rộng hơn, Nông nghiệp và Môi trường, có tên là gì thì vẫn cứ là Đất nước, Nông nghiệp, Nông thôn và ấy là Nông nghiệp, là Môi trường của chúng ta.

Xem thêm
22 đội dự Giải bóng chuyền bãi biển nữ châu Á

PHÚ YÊN Giải bóng chuyền bãi biển nữ châu Á năm 2025 - sự kiện thể thao đẳng cấp quốc tế sẽ diễn ra tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Phê duyệt quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình

Tuyên Quang Phó Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.