| Hotline: 0983.970.780

Những điều chưa biết về cuốn 'Nhật ký trong tù' bằng tiếng Czech

Thứ Hai 19/05/2025 , 08:50 (GMT+7)

Mặc dù chỉ có chưa đến 11 triệu người sử dụng ngôn ngữ Czech, nhưng có tới 4 bản dịch 'Nhật ký trong tù' bằng tiếng Czech, chỉ sau tiếng Anh (8 bản).

Bìa bản dịch 'Nhật ký trong tù' tiếng Czech năm 1973 (trái) & 1980 (phải). Ảnh: VXQ.

Bìa bản dịch "Nhật ký trong tù" tiếng Czech năm 1973 (trái) & 1980 (phải). Ảnh: VXQ.

Những bài thơ từ "Nhật ký trong tù" bằng tiếng Czech được in thành sách đầu tiên là bản dịch có tựa đề: Odměřování vody (Chia nước), do Antonin Kolek dịch, Středočeské xuất bản ở Praha năm 1973. Bản dịch in khổ 10x13cm, 36 trang, đánh số La Mã từng tờ từ I - XXIII theo số bài thơ dịch được in. Sách có bìa bọc da rất đẹp, chữ và hình vẽ trên bìa được mạ vàng. Bên trong, ngoài 23 bài thơ dịch in, phần đầu sách, trên trang lẻ có “Lời tựa của những làm sách in  và “Lời cuối sách” của dịch giả in ở cuối sách.

Đi cùng 23 bài thơ dịch là 24 bức ảnh chụp và hình vẽ theo tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam rất đẹp của họa sĩ đồ họa, đồng thời là nhiếp ảnh gia Bedřich Forman, được in ở trang chẵn. Bedřich Forman (1919 - 1985) đã từng cùng với em trai mình là Werner Forman (1921 - 2010), cũng là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Czech, đến nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam (năm 1959). Cả hai đều rất yêu thích hội họa châu Á và sưu tập khá nhiều tác phẩm mỹ thuật của các nước này.

Antonin Kolek đã dịch 23 bài thơ ra tiếng Czech từ bản tiếng Pháp "Carnet de Prision" (Nhật ký trong tù) của dịch giả Phan Nhuận. Trong “Lời cuối sách”, Atonin Kolek giới thiệu với người đọc hoàn cảnh ra đời của "Nhật ký trong tù", tình cảnh khổ cực mà tác giả Hồ Chí Minh đã phải trải qua trong các nhà tù của Quốc dân đảng và nội dung vắn tắt của tập nhật ký. Cuối cùng ông viết: “Hồ Chí Minh hiện lên trong 'Nhật ký trong tù' như một người có trí thông minh sắc sảo, tinh thần lạc quan vô bờ bến và trên tất cả là một trái tim nhạy cảm”.

Còn trong "Lời tựa" ở đầu sách có đoạn viết: “Chúng tôi dành tặng cuốn sách này cho tất cả những độc giả đã theo dõi cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam với sự hồi hộp, lo lắng và tin tưởng, bằng thái độ và hành động thiết thực của mình đã góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng. Ấn phẩm này được xuất bản để ủng hộ Quỹ Tái thiết Việt Nam với sự hợp tác của dịch giả, họa sĩ và Nhà xuất bản cùng Nhà sách Miền Trung Séc”.

Chắc nhiều người cũng như tôi, không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng Antonin Kolek (1921 - 1979) là một bác sĩ, nhà thần kinh học, đồng thời là một nhà sưu tập nghệ thuật người Czech đã từng đến Việt Nam. Năm 1959 - 1960, ông là Trưởng khoa Thần kinh của Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp ở Hải Phòng.

Mặc dù chỉ ở Việt Nam trong khoảng 2 năm, song ông đã tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và sưu tầm một bộ sưu tập các tác phẩm khắc gỗ truyền thống của Việt Nam, trong đó có các bức minh họa cho "Truyện Kiều", bộ tranh "Bốn mùa", "Tố nữ", các bản in chúc mừng Tết Nguyên đán, tranh vẽ các nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Lợi, vua Quang Trung...

Bìa sách 'Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài' do Võ Xuân Quế sưu tầm giới thiệu.

Bìa sách "Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài" do Võ Xuân Quế sưu tầm giới thiệu.

Sau khi trở về Czech, ông đã sắp xếp và biên soạn một cách có hệ thống các tư liệu lịch sử và đặc biệt là sự phát triển của nghệ thuật ở Việt Nam. Ông cũng tổ chức một số triển lãm riêng về tranh Tết Việt Nam và tranh chạm khắc gỗ Việt Nam ở thành phố quê hương Olomouc. Sau đó, bộ sưu tập này đã được ông tặng lại cho Bảo tàng Náprstek ở Praha.

Như vậy, từ một bác sĩ, tình yêu văn học, nghệ thuật Việt Nam đã đưa Antonin Kolek trở thành một dịch giả và là người đầu tiên dịch "Nhật ký trong tù" ra tiếng Czech. Năm 1973, bên cạnh bản dịch "Nhật ký trong tù" tiếng Czech, ông cũng dịch một số tác phẩm thơ Việt Nam sang tiếng Czech từ tiếng Pháp, trong đó có "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và "Chinh phụ ngâm" (chưa xuất bản). Ngoài ra, ông còn viết một số bài về hội họa và văn hóa Việt Nam đăng trên tạp chí của Czechoslovakia.

Bản dịch thứ hai có tên Deník zvězení Pásmo z Ho Či Minových veršov Ho Či Min (Nhật ký trong tù: tuyển tập một số bài thơ của Hồ Chí Minh) do Vladimír Korčák và Ivo Vasiljev chọn và dịch, Ivo Vasiljev viết lời giới thiệu. Bản dịch gồm 22 trang, được Dilia xuất bản ở Praha năm 1980.

Năm năm sau, Vladimír Korčák & Ivo Vasiljev cho ra đời một bản dịch đầy đủ hơn có tiêu đề Deník z vězení với 106 bài thơ. Đó là bản dịch "Nhật ký trong tù" thứ ba bằng tiếng Czech. Bản dịch được Nhà xuất bản Odeon xuất bản năm 1985 ở Praha với 139 trang in khổ 8x8cm, bìa bọc da đen với chữ được mạ vàng rất đẹp.

Bản dịch được dịch từ chữ Hán và chữ Quốc ngữ trong "Nhật ký trong tù" do Nhà xuất bản Văn hóa xuất bản ở Hà Nội năm 1960. Tiếp theo 106 bài thơ dịch là "Lời giới thiệu" có tiêu đề “Những bài thơ viết trong tù của Hồ Chí Minh” do Ivo Vasiljev viết. Trong "Lời giới thiệu" dài 12 trang (126-138), Ivo Vasiljev đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin về tác giả, sự ra đời của cuốn nhật ký, lý do cuốn nhật ký được viết bằng chữ Hán.

"Lời giới thiệu" có đoạn viết: “Không thể phủ nhận sự hoàn hảo về mặt hình thức của những câu thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh. Nhà thơ nắm vững nghệ thuật ẩn dụ, tương phản, nghịch lý, chơi chữ, dí dỏm và mỉa mai tinh tế…”. Và kết thúc: “Một bức tranh toàn diện về nhân cách Hồ Chí Minh với mọi chiều kích nhân văn dần hiện ra trước mắt người đọc, đủ sức cộng hưởng. Theo nghĩa này, có thể nói rằng thơ Hồ Chí Minh vừa giản dị vừa sâu sắc, vừa dễ hiểu vừa khó hiểu”.

Về việc dịch "Nhật ký trong tù" sang các ngôn ngữ nước ngoài, từ cái nhìn của một nhà ngôn ngữ học tinh thông tiếng Việt, I. Vasiljev viết: “Đây là bản dịch đầy đủ đầu tiên Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, trực tiếp từ bản gốc tiếng Trung.”

Tiếp theo "Lời giới thiệu", cuốn sách in nguyên văn chữ Hán bài thơ chơi chữ qua nét bút tài hoa của nhà ngôn ngữ học Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Phan Cảnh, cùng với lời dịch sang tiếng Czech. Dịch giả Ivo Vasiljev cho biết, chính nhà ngôn ngữ học Nguyễn Phan Cảnh là người đã khích lệ và mở đường cho ông và nhà thơ Vladimír Korčák đến với việc dịch thơ Việt Nam sang tiếng Czech.

Giáo sư, dịch giả Ivo Vasiljev (1935 - 2016) là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng trong giới học thuật Việt Nam và được biết “nói tiếng Việt như người Hà Nội”. Ngoài việc dạy tiếng Việt cho người Czech và tiếng Czech cho người Việt, ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Czech và biên soạn một số công trình về Việt Nam. 

Dịch giả Vladimír Korčák (1949 - 2012) là nhà thơ đã cộng tác với Iso Vasiljev trong việc dịch thơ ca Việt Nam sang tiếng Czech. Ngoài 2 bản dịch "Nhật ký trong tù", ông còn dịch thơ của một số nhà thơ Việt Nam khác, như Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Việt Phương… sang tiếng Czech. 

Bìa bản dịch 'Nhật ký trong tù' tiếng Czech 1985 (trái) & năm 2011 (phải). Ảnh: VXQ.

Bìa bản dịch "Nhật ký trong tù" tiếng Czech 1985 (trái) & năm 2011 (phải). Ảnh: VXQ.

Bản dịch thứ tư cũng có tựa đề Deník z vězení (Nhật ký trong tù) do Dương Tất Từ, Jan Noha và Karel Sýs thực hiện, Barbora Vykysalova minh họa, xuất bản ở Praha năm 2011. Dịch giả Dương Tất Từ cho biết, vào đầu những năm 1960, nhiều bài thơ trong "Nhật ký trong tù" đã được ông (khi đó là sinh viên  Trường đại học Charles tại Praha) và nhà thơ Jan Noha (Czech) cùng dịch ra tiếng Czech, đăng trên các báo và tạp chí ở Czechoslovakia.

Nhưng sau khi Dương Tất Từ về nước và nhà thơ Jan Noha qua đời đột ngột vào năm 1966, bản dịch bị bỏ dở. “Mãi tới năm 2011, Chủ tịch Hội nhà văn Cộng hòa Czech - ông Karel Sys - đến Việt Nam và được biết về những bản dịch viết tay này, ông đã về nước đứng ra khởi xướng việc tập hợp các bản dịch và xuất bản”.

Như vậy, phải mất tới nửa thế kỷ, bản dịch được bắt đầu trước tiên mới được hoàn thành và trở thành bản dịch ra mắt bạn đọc muộn nhất trong số 4 bản dịch "Nhật ký trong tù" bằng tiếng Czech. Tuy nhiên, như ông Karel Sys chia sẻ: “Sau 50 năm, những bài thơ của Hồ Chí Minh vẫn còn tính thời sự, rất bổ ích đối với bạn đọc chúng tôi”. Sự ra đời của bản dịch này đã đưa tiếng Czech trở thành tiếng có số bản dịch "Nhật ký trong tù"  nhiều thứ hai (với 4 bản dịch) sau tiếng Anh (với 8 bản dịch) trong số 37 ngôn ngữ nước ngoài.

Xem thêm
Sân Quy Nhơn mở cửa tự do 3 vòng đấu giải vô địch quốc gia

Công ty CP Thể thao MerryLand Quy Nhơn Bình Định mở cửa tự do sân Quy Nhơn 3 vòng đấu cuối giải vô địch quốc gia LPBank V.League 2024-2025 diễn ra tại Bình Định…

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

36 hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển

KHÁNH HÒA Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển năm 2025 được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 7/6 - 9/7 với 36 sự kiện văn hóa, thể thao và nghệ thuật đặc sắc.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.