Ngày 21/7, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm "Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau". Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Cần lộ trình, chính sách và sự đồng thuận
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt của việc chuyển đổi xe máy sử dụng xăng sang xe điện trong chiến lược giảm ô nhiễm môi trường đô thị - nơi vốn chịu áp lực giao thông và ô nhiễm không khí lớn nhất cả nước.
PGS.TS Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Xây dựng) nhận định: “Việc giảm phát thải trong hoạt động giao thông, đặc biệt là từ xe máy, đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, không chỉ ở Hà Nội mà trên toàn quốc. Với gần 70 triệu xe máy đang lưu thông, chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn thì lượng khí thải từ phương tiện này là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị”.

PGS.TS Nguyễn Đông Phong, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, việc giảm phát thải trong hoạt động giao thông, đặc biệt là từ xe máy, đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, không chỉ ở Hà Nội mà trên toàn quốc. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo ông Phong, việc kiểm soát khí thải từ xe ô tô đã được thực hiện từ năm 2006 theo Quyết định 249/2005/QĐ-TTg. Tuy nhiên, toàn bộ số xe máy đang lưu hành chiếm tỉ lệ phương tiện cao nhất, đến nay vẫn chưa được kiểm soát khí thải, dù đã có quy chuẩn áp dụng cho xe máy mới bán ra thị trường. Đây chính là khoảng trống lớn trong hệ thống kiểm soát ô nhiễm từ giao thông, cần được lấp đầy bằng những giải pháp mạnh mẽ và thực tiễn hơn.
“Việc chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện không chỉ góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính mà còn cải thiện rõ rệt chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM”, ông Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi đó, rất nhiều bài toán cần được giải quyết đồng bộ. Trước hết là bài toán về mặt xã hội: xe máy là phương tiện thiết yếu của phần lớn người dân, trong đó có nhóm thu nhập thấp và người yếu thế. Do vậy, ông Phong đề xuất, cần có công cụ chính sách hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước và chính quyền các cấp, ví dụ như ưu đãi thuế, hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe điện, cho vay lãi suất thấp, hoặc phát triển dịch vụ chia sẻ xe điện công cộng.
Một thách thức khác không kém phần quan trọng là hệ thống hạ tầng sạc điện. Hiện tại, cả nước mới chỉ có vài nghìn trụ sạc, trong đó chưa đến một phần ba dành cho xe máy và xe đạp điện. Việc phát triển hệ thống trạm sạc công cộng, sạc tại các khu dân cư, nhất là tại các chung cư cũ, khu phố chật hẹp đang đặt ra yêu cầu quy hoạch đồng bộ và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.
Đặc biệt, vấn đề xử lý rác thải pin sau sử dụng cũng được ông Phong đặt ra như một “thách thức xanh” trong chuyển đổi năng lượng. “Không thể vì chạy theo xe điện mà bỏ qua bài toán môi trường thứ cấp”, ông cảnh báo. Theo ông Phong, Việt Nam cần thúc đẩy nghiên cứu công nghệ tái chế pin, chuyển đổi mục đích sử dụng pin đã qua sử dụng, đồng thời ban hành quy định chặt chẽ trong hoạt động thu gom và xử lý rác thải pin.
“Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7/2025 chính là hành lang pháp lý quan trọng để các địa phương, đặc biệt là Hà Nội thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sạch. Nhưng để Chỉ thị đi vào thực tế, các cơ chế hỗ trợ cụ thể, lộ trình rõ ràng và sự đồng thuận xã hội là điều không thể thiếu. Kế hoạch chuyển đổi không thể làm riêng lẻ. Cần sự phối hợp giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Mỗi bên đều phải có trách nhiệm trong việc xây dựng đô thị xanh, giao thông bền vững", ông Nguyễn Đông Phong khẳng định.
Sẽ rà soát trạm sạc, khảo sát dân cư
Chia sẻ về giải pháp phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ phương tiện sử dụng năng lượng sạch tại Hà Nội, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính đầu tư (Sở Xây dựng Hà Nội) nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống trạm sạc cần đi kèm với một lộ trình tổng thể, căn cứ vào thực tiễn phương tiện và đặc thù đô thị.
“Hiện nay, Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe máy, trong đó tới 95% là sử dụng xăng. Nếu triển khai lộ trình chuyển đổi sang xe điện tại khu vực vành đai 1 thì sẽ có khoảng 9 phường bị tác động, bao gồm 6 phường nằm hoàn toàn trong khu vực này”, ông Thành dẫn số liệu. Theo điều tra sơ bộ, khu vực vành đai 1 hiện có khoảng 600.000 dân cư ổn định với khoảng 450.000 xe máy – một con số chưa bao gồm lượng phương tiện từ bên ngoài vào.

Ông Phan Trường Thành chia sẻ về giải pháp phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ phương tiện sử dụng năng lượng sạch tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi sang phương tiện năng lượng sạch, ông Thành cho biết, Hà Nội sẽ đi theo lộ trình rõ ràng. Trước hết là thực hiện điều tra, khảo sát thực tiễn tại từng khu vực, từng nhóm dân cư bị tác động, trong đó dữ liệu đầu vào sẽ do chính quyền địa phương hai cấp phối hợp thu thập.
Tiếp đó, thành phố sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, gắn chuyển đổi phương tiện với Đề án vùng phát thải thấp và Luật Thủ đô sửa đổi. Một trong những bước đi then chốt là nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, cả về vận tải chung và hệ thống giao thông công cộng nhằm hạn chế phụ thuộc vào xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.
"Trụ sạc phải có nhiều đầu sạc, dùng chung chuẩn, không để mỗi doanh nghiệp một kiểu dẫn đến không tương thích", ông Phan Trường Thành nói.
Hiện thành phố đã có khoảng 1.000 trụ sạc các loại. Hà Nội đang rà soát tổng thể các vị trí bãi đỗ xe trong Vành đai 1 để bố trí trạm sạc với mục tiêu hình thành hệ thống sạc điện hiện đại, dễ tiếp cận và không độc quyền.
Trước băn khoăn về việc người dân ở chung cư cũ sẽ sạc xe ở đâu, ông Thành nhấn mạnh: “Giải pháp lâu dài là cải tạo toàn bộ chung cư cũ theo kế hoạch của thành phố. Còn trước mắt, phải khảo sát nhu cầu sạc thực tế, tính toán bổ sung nguồn điện, và quan tâm nhiều hơn đến điều kiện hạ tầng điện tại các khu vực này”.
Với các khu vực công cộng trong Vành đai 1, Hà Nội đang tích cực rà soát để bố trí trạm sạc phù hợp, đảm bảo thuận tiện cho cả cư dân lẫn người từ nơi khác vào nội đô.
Ông Thành khẳng định, mọi chính sách đưa ra phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn đô thị đặc thù của Thủ đô. “Chúng tôi đặt mục tiêu rõ ràng: chậm nhất là trong năm 2025, người dân phải cảm nhận được sự thay đổi thực chất về hạ tầng sạc và dịch vụ hỗ trợ phương tiện năng lượng sạch”, ông Thành nhấn mạnh.