
Chị Nguyễn Vân Anh trong một chuyến công tác vùng cao.
Chuyện là, cách đây khoảng ba mươi năm, khi đó, tôi đi cùng với một nhà thơ đến chơi và đàm đạo với nhà phê bình Chu Văn Sơn - chồng chị, một người đang rất nổi tiếng về nghiên cứu và phê bình văn học. Tôi chỉ thoáng thấy chị, nhưng không kịp chào chị đã biến khỏi sau bức tường, xuống bếp, lát sau mang lên một đĩa lạc rang. Lẽ ra, thấy ngon, tôi phải bày tỏ gì đó, ít nhất hỏi chị một câu… Nhưng như một người ngang hàng, một kẻ “đàn ông” vô tình, tôi cứ ngồi nói chuyện tràn lan với hai người đàn ông kia…
Một năm sau, tôi nhận được mấy truyện ngắn, đọc thấy cảm động, văn chương rất đẹp, chân thành, nhưng vì tên tác giả là N.T.M lạ lẫm nên tôi chỉ trình ban biên tập. Rồi báo không đăng nhưng tôi không trả lời tác giả. Sau này tôi chuyển khỏi tờ báo đó, công việc bận rộn nên tôi gần như không còn biết nhiều đến những tác giả mới.
Cách đây hơn năm năm. Tôi được mời đến dự tiệc ở nhà vị tham tán văn hóa Mỹ. Cuộc vui có nhiều nhân vật tầm cỡ, hầu hết đều biết nhau. Nhưng nhà ngoại giao vẫn lịch sự giới thiệu từng người, ngắn gọn.
Đến lượt chị ấy, phần giới thiệu hơi dài hơn một chút, và vì ngồi cạnh nên tôi rất chú ý: “Nguyễn Vân Anh - nhà văn, nhà hoạt động nữ quyền, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), được tạp chí Forbes bình chọn là một trong số 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017”.
Tôi bắt tay chị: “Chào em. Chị rất vinh dự được biết em”. Nguyễn Vân Anh cười, mắt lấp lánh: “Chị quên em, chứ em thì không quên chị”. Tôi cố lục trí nhớ nhưng không thể nhận ra, gương mặt rất đẹp, cái cười hóm hỉnh và nhất là giọng nói nhân hậu. Vân Anh dường như thấy tôi quên thật chứ không ra vẻ quên.
Khi nghe nhắc đến “Em là vợ anh Sơn, Chu Văn Sơn”, mọi chi tiết cũ ùa về. Một cảm giác sượng sùng bùng nổ. Mặc dù rằng, thực ra tôi chỉ mới nhìn thấy Vân Anh ở sau lưng cái hôm ăn lạc rang ấy. Và tôi cũng không có lỗi khi trình cái truyện ngắn (ký tên khác chứ cũng không ký tên Vân Anh) mà tổng biên tập không đăng. Nhưng… ở một góc nào đó, trong suốt hai mươi năm, tôi vẫn áy náy về cái truỵện ngắn mà nếu tôi cố gắng thuyết phục thì chắc cũng được duyệt rồi. Đắng ngắt, khi giờ đây ngồi bên tôi chính là N.T.M - Nguyễn Vân Anh, người vừa nói chuyện tiếng Anh với nhà ngoại giao Mỹ, được sự trọng nể của tất cả các tân khách trong khuôn viên này.
Nhưng đấy là tôi nghĩ. Tôi tự day dứt cái việc mà chính Vân Anh cũng không biết. Còn Vân Anh thì không. Bằng chứng là sau đó ít ngày, Vân Anh lái xe đến studio của tôi chơi, mang cho tôi gói chè hoa đỗ tím. Trò chuyện với tôi hàng giờ về đời sống của chị, về quan niệm nhân sinh và về tình yêu…
*
Té ra chúng tôi có nhiều bạn chung, mà vì tất cả cùng bận nên không gặp nhau chung lần nào trừ hôm ở nhà tham tán văn hóa đó. Qua các bạn, tôi biết thêm về Vân Anh.
Trước khi là nhà báo, nhà văn, Vân Anh là giáo viên dạy văn ở Phú Xuyên. Học cùng khóa với Chu Văn Sơn ở Đại học Sư phạm 1, sau thành vợ thành chồng. Chu Văn Sơn, một cây bút uy tín và tinh tế, người để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn học đương đại Việt Nam, một người có nhiều người hâm mộ, nhất là các đồng nghiệp và sinh viên trẻ. Rồi vợ chồng cùng về Hà Nội làm việc để gần nhau.
Sự đồng hành của họ là một mối gắn kết vừa mang tính tri thức vừa nhân văn sâu sắc. Vân Anh về làm ở VOV. Họ có một cuộc tương sinh tuyệt vời về tri thức và thẩm mỹ… Chị là người khởi xướng đường dây nóng (hotline) về bạo lực gia đình đầu tiên ở Việt Nam. Với mong muốn giúp đỡ được thêm thật nhiều phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế trong xã hội.
Năm 2001, Vân Anh đã phát triển hotline này thành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). Sáng lập CSAGA, là giám đốc và nhà tư vấn chính sách về giới và một nhà lãnh đạo xã hội giàu ảnh hưởng, luôn thầm lặng trong công việc nhưng chị cũng luôn lên tiếng bảo vệ những người yếu thế, không nhân nhượng với kẻ ác, với thứ đạo đức giả. Vượt lên trên hoàn cảnh (thời bao cấp nghèo khổ, hồi mà tôi đến gặp ở phố Núi Trúc, một căn nhà nhỏ), bằng sự nỗ lực vượt bậc, chị và chồng đã làm nên một địa chỉ văn hóa Vân Sơn Garden, một khu vườn tuyệt đẹp và một biệt thự kiểu tân cổ điển, ở Hòa Lạc. Rất nhiều cây và hoa. Nghe nói mỗi cái cây là một câu chuyện của vợ chồng chị từ khi trồng đến khi nó lớn lên...
*
Nhân 50 năm nước nhà thống nhất, tôi lại nhớ đến cuộc gặp gỡ của chúng tôi: các nhà văn hóa Việt và các cựu binh Mỹ, với tiêu đề: “Ký ức của mỗi người và chúng ta của hôm nay” ở Vân Sơn Garden. Chủ nhân trong trang phục váy trắng rất đẹp, khó ai biết chị vừa buông chiếc tạp dề để nấu một bữa tiệc đứng cực ngon, bày biện thức ăn tuyệt đẹp, nhìn thấy một lần là nhớ mãi. Cuộc trò chuỵện trong không gian rất đẹp ấy, các cựu binh Mỹ đã cởi mở với nhà văn Bảo Ninh với một nhà quay phim từ Mỹ, về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh”, về những thước phim tài liệu những ngày chiến trận… Bữa ăn làm tăng thêm sự thân mật, những nụ cười, tình cảm chân thành.
Vân Sơn Garden do Vân Anh thiết kế và chăm sóc, thiên nhiên hoang sơ, nhưng giấu bên trong đó sự sâu lắng của ký ức, và vẻ đẹp đầy chất thơ của một người yêu cái đẹp và sống có chiều sâu. Không gian ấy là nơi gặp gỡ của những người đồng cảm, cũng là nơi để tưởng niệm người chồng quá cố, và nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên của chị.
Hằng ngày Vân Anh đi bộ nhanh (một môn thể dục), tập gym và yoga. Không ngừng nghỉ. Hằng ngày tự lái xe đi làm từ Hòa Lạc về Hà Nội. Nhưng cũng có lần chị đi xuyên núi phía Bắc, trên những cung đường cao. Những chuyến đi tìm hiểu đời sống phụ nữ dân tộc thiểu số cũng có, lại có cả những chuyến đi chị gọi là thiền (động), băng qua những đoạn đèo hiểm trở, tự dựng lều bạt ngủ lại trong rừng, hoặc trong những homestay đơn sơ, trò chuyện với người Mông, người Dao, người Tày bên bếp lửa.
Không có kịch bản, không mục tiêu cụ thể, chỉ là đi để sống chậm, để thở sâu, để chạm tay vào đất trời, và lắng nghe lại chính mình. Những chuyến đi ấy không ồn ào như các cuộc hội thảo, không khốc liệt như những ngày đối đầu với các vụ bạo lực giới, nhưng lại có sức mạnh âm thầm cứu rỗi.
Trên cao nguyên đá, bên bát rượu ngô, giữa làn mây vắt ngang đỉnh núi, Nguyễn Vân Anh tìm lại được niềm tin, sự bình an và ý nghĩa mới của việc sống tiếp. “Tôi không vượt qua bệnh tật. Tôi đi cùng nó, và học cách sống sâu hơn”. Đó là điều chị từng chia sẻ. Không chiến thắng bệnh tật bằng tinh thần chiến binh, mà bằng cách đối thoại với nỗi đau, kiên nhẫn bước qua nó, và để thiên nhiên, con người, và những con đường xa làm dịu đi những nỗi buồn vì những việc còn dang dở. Với chị, những chuyến đi ấy là liệu pháp tinh thần, là một phần của hành trình tái sinh - bên trong con người đã từng mỏi mệt vì gánh vác nhiều.
Từ sự đồng cảm với những nhân vật được tiếp xúc, giám đốc CSAGA đã có nhiều sáng kiến trong truyền thông về các vấn đề liên quan đến phụ nữ bị tổn thương, những nạn nhân của kỳ thị và bạo lực. Những câu chuyện, những bài học về bình đẳng giới, chống bạo lực, được Vân Anh và các đồng nghiệp lồng ghép khéo léo vào những câu chuyện và đoạn phim ngắn truyền tải tới cộng đồng. Chị cũng trực tiếp tới gặp gỡ, động viên và chia sẻ với những người cần giúp đỡ, tận tình tư vấn giúp họ giải quyết những vấn đề trong đời sống.

Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh cùng các diễn giả tham gia Tọa đàm Xâm hại trong học đường.

và trong chương trình "Là con gái để toả sáng", tổ chức tại Trường THPT Tân Yên 1, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Trong công việc, người sáng lập CSAGA được các đối tác đánh giá cao về khả năng sáng tạo cũng như nhiệt huyết dành cho mọi hoạt động. Bà Phan Thu Hiền, công tác tại Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết: "Chị Vân Anh là một con người tuyệt vời, luôn đứng ra để bênh vực và hỗ trợ cho những người yếu thế. Chị ấy cảm nhận được nỗi đau của nạn nhân và biến những cảm thông hiểu biết ấy thành hành động cụ thể, hỗ trợ và đáp ứng kịp thời. Ví dụ, đứng trước những vụ việc, bằng mọi cách chị Vân Anh tìm nguồn hỗ trợ để có thể giúp đỡ và hỗ trợ nạn nhân. Đấy là những việc làm rất thiết thực. Đó là điều mà tôi ấn tượng nhất”.
Năm 2008, Nguyễn Vân Anh được Women’s eNews (Mỹ), hãng tin chuyên đăng thông tin về phụ nữ và em gái để tạo dựng thế giới công bằng hơn, vinh danh là một trong 21 nhà lãnh đạo xuất sắc nhất những năm đầu thế kỷ XXI. Chị được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam trong lĩnh vực hoạt động xã hội.
Nguyễn Vân Anh sinh 1963. Từng mắc bệnh hiểm nghèo cách đây gần hai mươi năm (chị sang Mỹ nhận giải thưởng với cái đầu trụi tóc), nhưng hiện tại chị trông như người ở độ ngũ tuần. Khi cần trồng cây làm vườn, chị khỏe như một chị nông dân chính hiệu, nhưng trong một diễn đàn hay một cuộc vui chị xinh tươi trong gam màu trắng (tóc bạc trắng, bộ đàm trắng)…
Một cô tiên có thể hòa đồng với người Mông ở bản vùng cao hay ở nước ngoài, và đặc biệt là một người hành động vì tình yêu thương vô bờ bến đối với con người.