Ngày 25/4, tại Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương tổ chức Tọa đàm “giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Hồng”.
Tiềm năng lớn
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có địa hình tự nhiên đa dạng, có thể phát triển nhiều loại hình nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) như nuôi bãi triều, nuôi mặn lợ; nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa; nuôi ao, nuôi kết hợp trong ruộng lúa...

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trung Quân.
Đối tượng thuỷ sản nuôi trồng đa dạng, có tiềm năng phát triển nhiều loài thuỷ đặc sản, giá trị kinh tế cao. Một số vùng có thể phát triển nuôi các đối tượng chủ lực phục vụ xuất khẩu và có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá giò; các đối tượng nhuyễn thể như hàu, tu hài, ốc hương…
Tổng diện tích NTTS của các tỉnh vùng ĐBSH năm 2024 đạt gần 115.000ha và gần 947.000m3 lồng bè. Sản lượng NTTS đạt hơn 823.000 tấn (bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023).
Đặc biệt, diện tích tiềm năng có thể phát triển NTTS của vùng còn rất lớn, khoảng 163.000ha (gần 83% diện tích nuôi nước ngọt, hơn 17% diện tích nuôi nước mặn, lợ). Bên cạnh đó, các tỉnh vùng ĐBSH còn có hàng trăm nghìn ha mặt nước hồ chứa, hồ thuỷ điện, hồ thuỷ lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa, nuôi cá lồng bè trên sông.
Những năm qua, công tác sản xuất giống thủy sản ngày càng ổn định và phát triển, sản lượng giống liên tục tăng, chất lượng giống được kiểm soát, đảm bảo chất lượng. Đây là điều kiện lý tưởng để hoạt động NTTS phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, đánh giá tiềm năng, lợi thế, ngành thủy sản đặt mục tiêu trong năm 2025, diện tích NTTS của các tỉnh vùng ĐBSH đạt 115.000ha, (tăng 132ha so với năm 2024) và 948.000m3 lồng bè (tăng hơn 1.000m3 so với năm 2024). Sản lượng NTTS đạt 850.000 tấn (tăng 3% so với năm 2024).
Vẫn gặp khó ở khâu giống
Phân tích những khó khăn trong việc phát triển NTTS tại các tỉnh ĐBSH, TS Võ Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS I) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, ngành thủy sản đã và đang phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, liên tục đối mặt với hàng loạt rào cản kỹ thuật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với những khó khăn nội tại như: Sản lượng khai thác thủy sản đã vượt ngưỡng cho phép, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy thoái; diện tích NTTS đã khai thác đến mức giới hạn; ô nhiễm môi trường và dịch bệnh phát sinh; tổ chức quản lý còn nhiều khó khăn, lúng túng; quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, phát triển tự phát theo cơ chế thị trường...

Theo ông Phạm Văn Phục, Chủ tịch Liên hiệp Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ, người nuôi vẫn chưa thể an tâm về chất lượng con giống thủy sản. Ảnh: Trung Quân.
Đặc biệt, thực trạng sản xuất giống và nuôi thủy sản nước ngọt hiện nay còn nhiều hạn chế. Trình độ công nghệ giữa các cơ sở sản xuất không đồng đều, phần lớn các cơ sở nhỏ chưa tiếp cận hoặc chưa áp dụng các quy trình công nghệ tiên tiến. Hệ thống theo dõi, quản lý chất lượng giống, chất lượng sản phẩm nuôi còn mang tính thủ công, thiếu dữ liệu số hóa. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, truy xuất, điều phối sản xuất giống và nuôi thương phẩm hiệu quả.
Ông Lê Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, Hải Dương) đánh giá, mặc dù trong nước công tác giống đã được chú trọng đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng và không lấy được niềm tin của người sản xuất về chất lượng. Hầu hết các giống cá nước ngọt chất lượng phải nhập khẩu từ bên ngoài.
Trong khi đó, giống là yếu tố quyết định đến thành công của hoạt động NTTS. Khi không thể chủ động được giống sẽ kéo theo hàng loạt khó khăn trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, định vị thương hiệu, truy xuất vùng trồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng nuôi…
Theo ông Việt, muốn hoạt động NTTS khu vực ĐBSH phát triển bền vững cần đầu tư mạnh mẽ nguồn lực để phát triển KHCN trong chọn tạo giống. Thậm chí, nếu đánh giá thấy khả năng nghiên cứu, chọn tạo trong nước còn yếu, cần mạnh dạn dành toàn bộ nguồn lực mua, chuyển giao công nghệ hiện đại từ nước ngoài để đảm bảo có ngay nguồn giống thủy sản tốt phục vụ sản xuất tại Việt Nam.
Ông Phạm Văn Phục, Chủ tịch Liên hiệp Thủy sản chất lượng cao Tứ Kỳ (Hải Dương) trăn trở, con giống chất lượng là vấn đề các hộ nuôi luôn trăn trở, bất an. Đơn vị bán giống nào cũng quảng cáo giống của mình tốt, người nuôi mua dùng thử lứa đầu rất thành công nhưng càng về sau chất lượng con giống càng tệ. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, thu nhập của người dân.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã tham quan, học tập kinh nghiệm tại mô hình nuôi cá sông trong ao và chuỗi sản xuất khép kín của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt (Gia Lộc, Hải Dương). Ảnh: Trung Quân.
Bên cạnh đó, các địa phương có vùng nuôi thủy sản nhưng lại chưa dành sự quan tâm đúng mức trong việc quy hoạch và quản lý chặt chẽ hoạt động xả thải của chăn nuôi gia súc, gia cầm; sử dụng thuốc BVT trong trồng trọt làm nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến hàng loạt cơ sở thủy sản điêu đứng.
“Chỉ có quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, quy hoạch bài bản vùng nuôi thì hoạt động NTTS mới có thể phát triển. Người nuôi đã phải gồng mình chống chịu với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nếu phải gồng mình giải quyết thêm vấn đề con giống, môi trường thì họ sẽ khó trụ vững”, ông Phục đánh giá.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản là yếu tố then chốt. Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Các hệ thống nuôi trồng tuần hoàn, nuôi trồng trong nhà kính và hệ thống cảm biến thông minh giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường, đảm bảo chất lượng nước và sức khỏe của thủy sản.
"Các địa phương, hộ nuôi cần đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các vùng nuôi trồng tập trung theo quy hoạch, kết hợp với các biện pháp bảo vệ môi trường như xử lý nước thải và tái chế chất thải. Ngoài ra, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị, sản phẩm sản xuất ra cần phải xây dựng, đăng ký thương hiệu để đảm bảo lợi ích và hiệu quả cho người nuôi", ông Hoàng Văn Hồng nhấn mạnh.