Vận tải biển chiếm tới 3% lượng phát thải CO2 toàn cầu và là lĩnh vực khó kiểm soát do tính xuyên biên giới. Một mô hình định giá carbon được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để điều tiết phát thải, hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi sang vận tải biển xanh và khuyến khích sản xuất nhiên liệu thay thế.
Tại cuộc họp của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) ở London tuần này, hơn 60 quốc gia đã ủng hộ áp dụng thuế carbon toàn cầu với ngành vận tải biển, nhằm thúc đẩy cắt giảm phát thải CO2. Nếu được thông qua, đây sẽ là loại thuế carbon toàn cầu đầu tiên, áp dụng mức phí dự kiến từ 60 đến 300 USD mỗi tấn CO2.

Ngành vận tải biển sẽ bị áp thuế carbon toàn cầu. Ảnh: IT.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Brazil và Saudi Arabia lại muốn áp dụng cơ chế giao dịch tín chỉ carbon, cho phép các tàu ít phát thải bán tín chỉ cho các tàu khác. Các nhà phê bình lo ngại điều này có thể giúp các chủ tàu giàu có “mua sự tuân thủ” mà không thực sự giảm phát thải.
Mỹ thì bất ngờ phản đối mạnh mẽ, đe doạ sẽ có các biện pháp trả đũa nếu thuế carbon được áp dụng. Nước này cho rằng sắc thuế này tạo gánh nặng không công bằng cho Mỹ và cảnh báo sẽ có hành động đối ứng để bảo vệ lợi ích trong nước.
Dù đối mặt nhiều rào cản, các nước ủng hộ thuế carbon kỳ vọng sẽ đạt được đồng thuận trong tuần này. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, quy định có thể được thông qua vào tháng 10 tới và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2027.
Liên minh châu Âu (EU) trước đó cũng đã đạt được thỏa thuận quan trọng nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát ô nhiễm vi nhựa sang lĩnh vực vận tải biển – động thái được đánh giá là cột mốc mới trong nỗ lực bảo vệ môi trường biển.