Sóng nhiệt liên tục xuất hiện trong những ngày gần đây tại Canada, Hoa Kỳ và Bắc Âu cảnh báo một sự biến động khí hậu nguy hiểm mới. Do nhiệt độ oi bức kéo dài, thành phố Toronto (Canada) đã phải giữ các bể bơi ngoài trời mở cửa đến gần nửa đêm. Người Anh kéo nhau về các bãi biển. Người Pháp lôi quạt từ kho ra để chống chọi những đêm oi nóng. Ở Hà Lan, nhiều buổi hòa nhạc và sự kiện thể thao ngoài trời đã phải hủy bỏ. Đây đều là những dấu hiệu của một mùa hè khắc nghiệt và dữ dội nhất, dù thực tế mùa hè mới chỉ bắt đầu.
Mùa hè đến sớm, kéo dài bất thường
Những đợt nắng nóng trong những ngày vừa qua tại Canada, vùng đông bắc nước Mỹ và Bắc Âu có một điểm chung là thời xuất hiện rất sớm trong năm. Thời điểm này cho thấy một xu hướng rộng lớn hơn, liên quan đến biến đổi khí hậu do con người gây ra, trong đó thời tiết mang tính mùa hè xuất hiện sớm hơn vào tháng 6 và kéo dài sâu hơn vào tháng 9, kéo dài thời gian thời tiết cực đoan và gia tăng các rủi ro từ nắng nóng.

Hình ảnh ở Ronda, miền nam Tây Ban Nha khi đất nước này đang phải đối mặt với đợt nắng nóng đầu tiên trong mùa vào ngày 28/5. Ảnh: Jorge Guerrero.
Ông Carlo Buontempo, Giám đốc Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu nhận định: “Rõ ràng, mùa hè đang kéo dài sang cả những tháng chuyển giao, với tốc độ rất nhanh”.
Theo số liệu Viện Biến đổi Khí hậu Đại học Maine (Mỹ), giai đoạn 1979-2000, nhiệt độ trung bình ở Bắc bán cầu chỉ vượt ngưỡng 21°C từ khoảng 10/7, kéo dài năm tuần. Nhưng năm ngoái - năm nóng nhất lịch sử, nền nhiệt này đã xuất hiện từ ngày 13/6 đến tận 5/9. Năm nay, dù chưa phá kỷ lục năm trước, mức nhiệt trung bình ở Bắc bán cầu đã đạt 20,91°C vào giữa tháng 6, sớm hơn nhiều so với trước kia.
Hậu quả sức khỏe và môi trường đáng báo động
Bà Sonia Seneviratne, nhà khoa học khí hậu Thụy Sĩ thuộc Viện Khoa học Khí quyển và Khí hậu ETH Zurich, nhận xét: Dù mùa hè kéo dài có thể mang đến một vài lợi ích như những ngày thư giãn bên bờ biển, nhưng nó cũng kéo theo những nguy cơ lớn về sức khỏe, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc những người có điều kiện sống khó khăn, không đủ khả năng tránh nóng. Riêng tại châu Âu, tỉ lệ tử vong do nắng nóng đã tăng 30% trong vòng 20 năm qua.
Tại Mỹ, số liệu Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cho thấy, sóng nhiệt ngày càng kéo dài, xuất hiện thường xuyên và gay gắt hơn trong 70 năm qua. Thời gian “mùa sóng nhiệt” cũng tăng lên, từ dưới 50 ngày vào thập niên 1990 lên đến 70 ngày ở thập niên 2020.

Hình ảnh cho thấy nhiệt độ cao nhất toàn cầu vào ngày 24/6. Ảnh: TIM MEKO.
Vào giữa tháng 1, giữa tháng 3, cuối tháng 4, giữa tháng 5 và đầu tháng 6, diện tích chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao này đều vượt mọi năm kể từ 1980, trùng hợp với các đợt sóng nhiệt kéo dài ở Nam Á. Việc nắng nóng đến sớm như mùa hè không chỉ làm đảo lộn chu trình trồng trọt, gây căng thẳng nguồn nước mà còn kéo dài mùa cháy rừng.
Trên đảo Chios (Hy Lạp), chính quyền đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và sơ tán người dân khi cháy rừng lan rộng, một trong những vụ cháy đầu mùa của năm. Sau nhiều năm liên tiếp chịu đựng thời tiết khô nóng khắc nghiệt, Hy Lạp đã phải tăng kỷ lục số lượng lính cứu hỏa để chuẩn bị cho mùa cháy năm nay.
Nhiệt độ cao bất thường cũng đã lan đến dãy Alps Thụy Sĩ, nơi các dòng sông băng bắt đầu tan và mất khối lượng sớm hơn mọi năm nhiều tuần, theo ông Matthias Huss, chuyên gia băng hà kiêm trưởng nhóm Giám sát băng hà Thụy Sĩ (GLAMOS). “Triển vọng cho các sông băng Thụy Sĩ thực sự không khả quan,” ông Huss chia sẻ trên mạng xã hội.
Sóng nhiệt không chỉ dừng lại ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tại Nhật Bản, hàng loạt kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ chỉ trong vài ngày gần đây. Còn tại Mông Cổ, Nga và miền tây Trung Quốc, nền nhiệt cũng vượt mức trung bình nhiều năm, có thành phố nhiệt độ cao hơn bình thường tới 15°F (trên 8°C).
Biến đổi khí hậu do con người là nguyên nhân chính

Theo dữ liệu từ ngày 1/1 đến 19/6, nhiệt độ cao ở mức 32,2 độ C (90 độ F) trở lên do biến đổi khí hậu gây ra đã bao phủ nhiều vùng đất rộng hơn bình thường ở Bắc bán cầu trong năm nay. Ảnh: Ben Noll.
Các nhà khoa học chỉ rõ: Nguyên nhân chủ yếu khiến nền nhiệt toàn cầu tăng là do khí nhà kính, đặc biệt CO2 - phát thải từ hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch suốt hai thế kỷ qua. Chỉ trong 10 năm gần nhất, Trái đất đã ghi nhận 10 năm nóng nhất lịch sử. Đại dương cũng hấp thụ nhiệt nhiều hơn, khiến nước biển ấm lên, thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ.
Các nghiên cứu khí hậu gần đây cho thấy, tần suất sóng nhiệt tháng 6 tại nhiều khu vực đã tăng gấp 10 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ở Anh, những sự kiện nắng nóng như hiện tại từng được dự báo chỉ xảy ra 1 lần/50 năm trước khi con người làm ấm khí quyển, nay đã rút ngắn còn 1 lần/5 năm.
“Mọi dữ liệu đều cho thấy xu hướng sóng nhiệt tháng 6 tăng mạnh và có ý nghĩa thống kê rõ rệt khi Trái đất nóng lên,” nhóm chuyên gia Tổ chức Gán tính Khí hậu toàn cầu nhận định.