| Hotline: 0983.970.780

Mức thuế đối ứng của Mỹ làm đảo lộn thương mại toàn cầu

Thứ Tư 09/04/2025 , 20:31 (GMT+7)

Chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ làm leo thang một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Bất chấp thị trường tài chính bị lung lay, các mối đe dọa trả đũa và sự khuyến cáo từ một số người ủng hộ lớn nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông nên rút lui khỏi chính sách kinh tế mang dấu ấn cá nhân, ông vẫn không nhượng bộ.

Chính quyền của ông đã áp đặt thêm hàng loạt mức thuế “đối ứng” mới từ 0h01 ngày 9/4 (giờ Mỹ), đối với hàng chục đồng minh và đối thủ của Mỹ, với mục tiêu theo lời ông là khôi phục sự công bằng và thúc đẩy sản xuất nội địa Mỹ. Hàng hóa từ Trung Quốc, mục tiêu lớn nhất tính đến thời điểm này, hiện đang chịu mức thuế ít nhất là 104%. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ cao một tấm bảng về thuế quan khi phát biểu trong sự kiện công bố về thương mại tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ngày 2/4 ở Washington, DC. Ảnh: Forbes.

Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ cao một tấm bảng về thuế quan khi phát biểu trong sự kiện công bố về thương mại tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ngày 2/4 ở Washington, DC. Ảnh: Forbes.

“Đất nước của chúng ta và những người đóng thuế đã bị bóc lột trong hơn 50 năm. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nữa”, ông Trump tuyên bố tuần trước khi công bố các mức thuế, được cho là cao nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến trong hơn một thế kỷ.

Giờ đây, người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới sẽ phải trả một cái giá đắt. Chính các nhà nhập khẩu - chứ không phải các quốc gia bị ông Trump nhắm tới - mới là người phải nộp các khoản thuế và những chi phí này thường sẽ được chuyển sang cho các nhà bán buôn, nhà bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng. Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài cũng không thoát khỏi ảnh hưởng, vì người Mỹ có thể sẽ tìm đến các quốc gia có mức thuế thấp hơn để nhập hàng.

Cuối cùng, chính sách thuế của ông Trump đe dọa sẽ làm leo thang một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trung Quốc, vốn đã tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ, còn khẳng định sẽ hành động quyết liệt hơn. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/4 nói rằng, nước này sẽ “chiến đấu đến cùng” trong cuộc chiến thương mại

Nguy cơ suy thoái và lạm phát

Với việc hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi kể từ “Ngày Giải phóng” 2/4, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu đang tăng cao.

Ngân hàng JPMorgan đã nâng khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu lên 60% vào cuối năm nay, từ mức 40%, nếu ông Trump thực hiện đầy đủ kế hoạch mà ông đã công bố tuần trước.

Các nhà kinh tế của Ngân hàng JPMorgan cho hay: “Các đợt tăng thuế kể từ đầu nhiệm kỳ của ông Trump hiện đã trở thành đợt tăng thuế lớn nhất của Mỹ trong gần 60 năm. Điều này sẽ có tác động trực tiếp đến chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những hiệu ứng dây chuyền thông qua sự trả đũa, sự sụt giảm niềm tin kinh doanh và gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Chính sách thuế của Mỹ đã tác động mạnh nhất đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Chính sách thuế của Mỹ đã tác động mạnh nhất đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả thêm trung bình 2.100 USD mỗi năm do ảnh hưởng từ các mức thuế của ông Trump, theo tổ chức phi đảng phái Tax Foundation.

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã rất bận rộn. Ngay cả trước tuần trước, ông đã từng công bố mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 25% đối với thép, nhôm và ô tô nhập khẩu.

Đầu tuần này, Goldman Sachs cũng nâng dự báo suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới lên 45%, tăng 10 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong một báo cáo có tiêu đề “Đếm ngược đến suy thoái,” các nhà kinh tế của ngân hàng này cho biết họ “đã kỳ vọng Nhà Trắng sẽ công bố mức thuế quyết liệt ngay từ đầu rồi dần điều chỉnh giảm”.

Giáo sư kinh tế Brian Bethune của Đại học Boston dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái ngay trong quý II năm nay, trừ khi các mức thuế hiện hành được điều chỉnh đáng kể. Đáng lo hơn, các mức thuế có thể làm bùng phát tình trạng “lạm phát đình trệ” - tức tăng giá trong khi tăng trưởng chậm lại nghiêm trọng.

“Khả năng xảy ra lạm phát đình trệ là 100%”, giáo sư Brian Bethune nói với CNN, đồng thời cho biết tác động đến giá tiêu dùng sẽ bắt đầu từ tháng 5 và gia tăng mạnh vào tháng 6 và 7.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dự đoán suy thoái. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley ngày 8/4 nhận định, Mỹ sẽ tránh được suy thoái, vì họ tin rằng Trump cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận với các quốc gia nhằm giảm thuế. Cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, Peter Navarro, cũng nói với Fox News tối 7/4 rằng, ông đảm bảo nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái.

Mặc dù hàng chục quốc gia đã đề nghị đàm phán, vẫn chưa rõ liệu các thỏa thuận có thể được thực hiện nhanh chóng hay không, hoặc thậm chí có thể thực hiện được hay không. Ông Trump và các thành viên trong chính quyền của ông cho rằng, những rào cản thương mại phi thuế quan, bao gồm thao túng tiền tệ, chính sách thuế bị xem là không công bằng và việc sử dụng lao động rẻ mạt còn quan trọng hơn cả thuế quan. Đó là lý do họ đã từ chối nhiều lời đề nghị từ các quốc gia muốn hạ thuế nhập khẩu hàng Mỹ xuống 0% để đổi lại chính sách tương tự.

Đòn giáng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Chính sách thuế của ông Trump đã tác động mạnh nhất đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc. Giờ đây, Bắc Kinh đang trực tiếp đối đầu với đối thủ lớn hơn của mình - nước Mỹ - trong một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump kết thúc, Mỹ đã áp mức thuế trung bình 19,3% đối với hàng hóa Trung Quốc, theo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ). Chính quyền Biden đã giữ nguyên hầu hết các mức thuế của Trump, đồng thời bổ sung thêm, nâng mức trung bình lên 20,8%.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều đã hưởng lợi từ hàng thập kỷ thương mại song phương. Nhưng kể từ thời kỳ đầu của ông Trump, Mỹ đã chuyển hướng sang các nước khác để nhập khẩu hàng hóa từng đến từ Trung Quốc.

Mexico là nước hưởng lợi lớn nhất, đã vượt Trung Quốc để trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ vào năm 2023, và tiếp tục giữ vị trí này vào năm ngoái. Nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan cũng chứng kiến thương mại với Mỹ tăng vọt kể từ thời ông Trump.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là mức thuế 104% với hàng hóa Trung Quốc là không đáng kể, thực tế, nó rất quan trọng và có thể còn tăng cao hơn nữa. Ngay cả khi đã áp các mức thuế trước đó, Trung Quốc vẫn là nguồn cung hàng hóa lớn thứ hai của Mỹ vào năm ngoái, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ.

Năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 439 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, trong khi Mỹ chỉ xuất khẩu 144 tỷ USD sang Trung Quốc. Trung Quốc cũng vẫn là nguồn cung chính cho nhiều mặt hàng thiết yếu.

Việc cả hai bên cùng đánh thuế qua lại đang đe dọa gây tổn thương cho các ngành công nghiệp trong nước và có nguy cơ dẫn đến sa thải hàng loạt.

Ông Colin Grabow, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách Thương mại Herbert A. Stiefel thuộc Viện Cato cho hay, nếu ông Trump hủy bỏ các mức thuế này - điều mà ông nhiều lần tuyên bố sẽ không làm, thì phần lớn thiệt hại kinh tế có thể được khắc phục, nhưng “chắc chắn không thể hoàn toàn”.

“Hành động của ông Trump đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ, không chỉ bởi những lý lẽ thiếu vững chắc cho việc áp thuế, mà còn bởi việc vi phạm các hiệp định thương mại tự do lâu đời với các đối tác của Mỹ. Doanh nghiệp cần sự ổn định để hoạt động và cách tiếp cận hỗn loạn của ông Trump không mang lại điều đó”, ông Grabow nói thêm.

(Theo CNN)

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Ứng dụng tàu vũ trụ đo hàm lượng carbon rừng

Các nhà khoa học châu Âu đang xây dựng bản đồ 3D đo hàm lượng carbon tại các khu rừng xa xôi và khó tiếp cận bằng cách ứng dụng tàu vũ trụ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.