Mọi người hay "buôn dưa lê", em không quen với chuyện ấy, em rất ghét chuyện nói xấu người khác nên mãi sau này mới biết những chuyện không hay trong công việc của em do đâu mà ra (Ảnh minh họa)
Chị Dạ Hương thân mến!
Em rất thích đọc trang TVGĐ, em thấy trong nhiều kỳ thư chị nói về số phận, về phúc phận của mỗi con người, em cũng tin vào điều đó. Hiện tại trong cơ quan, xét về mặt nào đó, em hơn rất nhiều người, nhà cao cửa đẹp, chồng giỏi và hiền, con ngoan, nhưng liệu với phụ nữ như vậy có là đủ?
Em bước vào đời không dễ dàng gì, học giỏi, thi đỗ 2 trường đại học nhưng em phải học trung cấp kinh tế. Ra trường, em được chú em xin vào làm ở một cơ quan cấp huyện. Vì mải học nên kinh nghiệm cuộc sống của em không nhiều, lại thẳng thắn và không thích nịnh nọt nên công việc cũng như mối quan hệ của em với những người trong cơ quan ngày một xấu đi.
Khi mới đi làm, em được ưu tiên nhiều thứ, ai cũng nể vì chú em làm to ở tỉnh và ai cũng ghét vì sợ em sẽ lấy đi công việc của họ. Rồi em được đi học tại chức, việc người ta nói xấu em với sếp nhiều hơn, họ nói em "cậy có chú làm to nên không coi sếp ở đây ra gì!".
Ở cơ quan em nhàn lắm, mọi người hay "buôn dưa lê", em không quen với chuyện ấy, em rất ghét chuyện nói xấu người khác nên mãi sau này mới biết những chuyện không hay trong công việc của em do đâu mà ra. Nhiều lúc em tức giận muốn trả thù nhưng lại nghĩ họ không đáng.
Em thấy mình thật sự không thích hợp với nơi này, nhàm chán vô vị quá. Nhưng vì em đã quen, đã gắn bó với nó suốt 12 năm nên hiện tại sức ỳ trong em quá lớn, em ngại thay đổi và không biết liệu thay đổi thì có tốt hơn không? Bây giờ con người ta sống thực dụng quá, vì danh vì lợi, cũng có khi chẳng vì cái gì cả, chỉ vì sự đố kỵ cá nhân mà họ sẵn sàng làm tất cả, dẫm đạp lên tất cả, rồi cuối cùng họ có hơn ai đâu. Em rất muốn cuộc sống mình có ý nghĩa hơn, đến cơ quan không phải để mong chóng hết giờ về nhà, nhưng em không biết làm gì để thay đổi?
Em có tham lam quá không? Em rất mong chị cho em lời khuyên.
Em gái H.P.L (xin giấu địa chỉ)
Em thương mến!
Chị tiếc cho sở học của em phải dở dang vì hoàn cảnh gì đó mà em không nói ra. Chắc là vì kinh tế gia đình khó khăn đúng không? Bằng trung cấp thì thường phải đứng vào những chỗ thấp, mà đã thấp thì nền tảng ở chỗ đó kém. Một cơ quan cấp huyện, dù là ở cơ quan đầu não đi nữa thì cũng người đông kinh phí ít, dễ sinh nhàn rỗi, bon chen, hư hốt, cơ hội, xôi thịt, dẫm đạp… đủ cả.
Như nhiều lần chị than thở với các bạn trẻ ở nhiều kỳ thư, không biết từ bao giờ mà công sở biến thành chiến trường. Thời chiến tranh người ta yêu thương nhau không hết nữa là ganh và ghét, thời bao cấp khó nghèo nhưng dù sao cũng có tính người và tình người hơn. Bỗng dưng mọi thứ bát nháo, hay đây là hậu quả của một sức ỳ nằm ngoài tầm tay chúng ta, sức ỳ của cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của mỗi chúng ta? Như trong một gia đình, nóc nhà dột nát thì con cái chạy đi đâu ngoài chuyện ca cẩm, chán ngán. Hình như xã hội chưa được kích thích để mọi người có cảm hứng sống và cống hiến.
Cô cũng đã từng không thèm buôn dưa lê trong cơ quan. Ai nói mặc ai, mình cây ngay sợ gì chết đứng với điều kiện là phải ngay thẳng và làm tốt nhất công việc của mình. Chồng giỏi con ngoan, kinh tế vững vàng, vậy thì em phải tự nâng cao tri thức của mình lên, nhất là phải giỏi vi tính và ngoại ngữ. Phải mai phục trong vỏ bọc nhẫn nại của mình và rồi khi cơ hội đến là mình chớp lấy. Em phải giỏi tiếng Anh nhất thị trấn của mình, vì sao phải nhất?
Là vì học không bao giờ thừa, những người chịu học sẽ không bao giờ bị khinh bị ghét và rồi nhất định cơ hội sẽ tìm đến em. Học tại chức, học từ xa, học trên mạng… Em nhớ nhé, em hãy cắm cúi với sự học đi rồi em sẽ thấy kiêu hãnh vì giá trị của mình, lúc đó người nói xấu sẽ ít đi, kẻ bắt nạt cũng phải nể và cái bóng của ông chú cũng nhỏ hơn.
Chị biết khuyên các em các cháu đừng chán công sở bây giờ rất khó. May là chị đã nhiều tuổi nên đã thoát ra bằng đường về hưu. Đường các em còn dài, nhiều gai chông mà cái đích lại mù mờ. Bi kịch là ở chỗ đó. Vì vậy, chị vẫn khuyên em cầm lòng ở yên tại chỗ, vươn lên từ từ bằng học vấn để rồi sẽ thay đổi. Khi em đã có bằng đại học tại chức, em giỏi vi tính và tiếng Anh thì em có thể nhảy ra ngoài và dễ dàng tìm thấy một chỗ cho mình với đồng lương tốt và một môi trường lành mạnh hơn.