Trong khi ở Hà Nội, khách hàng khiếu nại việc cho trẻ uống 3 loại sữa bột ngoại “ăn khách” của Abbott đều bị tiêu chảy, thì ở Bình Thuận một trẻ 3 tuổi uống sữa nội Vinamilk cũng bị “Tào Tháo” rượt đuổi phải cấp cứu khẩn. Nhiều hộp sữa Vinamilk bị trương phình
Đó là trường hợp của bé Nguyễn Hà Kim Ngọc (3 tuổi), con của chị Hà Thị Diệu Mỹ (địa chỉ 281/5 đường Lê Lợi, Phường Hưng Long, TP Phan Thiết). Theo chị Mỹ, ngày 6/6 chị có mua một thùng sữa hộp hiệu Vinamilk, loại sữa tươi tiệt trùng có đường 100%, dung tích 110ml tại cửa hàng của bà Nguyễn Thị Phượng ( số 83 đường Lê Lợi, TP Phan Thiết). Chiều cùng ngày, sau khi bé Ngọc đi học về thì chị cho cháu uống một hộp. Uống được một lúc, cháu Ngọc la khóc kêu đau bụng, nôn ói liên tục nên chị Mỹ phải đưa cháu đến BVĐK Tâm Phúc cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã chuẩn đoán nhiễm trùng tiêu hóa, cho uống thuốc cầm ói rồi xuất viện. Do lúc này chưa biết sữa bị hỏng nên chị Mỹ tiếp tục cho cháu uống thì bé Ngọc một lần nữa xuất hiện các triệu chứng tương tự, chị Ngọc lại đưa bé đi nhập viện lần 2. Nghi cháu bị nhiễm độc do sữa, chị Mỹ lập tức kiểm tra thì thấy trong số sữa có nhiều hộp trương phình, lên mốc meo. Vậy là, sau hai lần đưa con trẻ nhập viện với triệu chứng nôn mửa, đau bụng giờ chị Mỹ mới biết con mình uống sữa bị lên men.
Sau khi cháu Ngọc điều trị đưa về nhà, chị Mỹ lập tức liên hệ với Vinamilk để tìm câu giải thích thì Cty này cử nhân viên đại diện tại Bình Thuận đến nhà để kiểm tra thông tin sau đó cho biết “không có trách nhiệm giải quyết”. Theo chị Mỹ, nhân viên đại diện có đem theo một thùng sữa đòi đổi lại nhưng chị không đồng ý. Theo chị, Cty phải có trách nhiệm hỗ trợ đối với việc con chị bị thiệt hại về sức khỏe cũng như viện phí.
“Trong trường hợp này, nếu có căn cứ cho rằng chính sản phẩm sữa mà cháu Ngọc đã sử dụng gây tiêu chảy thì theo Luật Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, chị Mỹ có quyền yêu cầu NSX (nếu do lỗi NSX) hoặc người bán hàng- NBH (nếu do lỗi NBH) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho con chị. Về nguyên tắc, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời trên cơ sở thương lượng, hòa giải giữa các bên. Nếu không thể tự thỏa thuận được thì chị Mỹ có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyềt bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho con chị theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự” (LS Đỗ Minh Trúc, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Thiết)
Chúng tôi đã có mặt tại nhà chị Mỹ để ghi nhận toàn bộ sự việc. Theo đó trong một thùng sữa loại 40 hộp với nhãn hiệu và dung tích như đã nói trên đề ngày sản xuất 21/5/2009, HSD 21/11/2009 có gần 10 hộp trương phình và bốc mùi men nồng nặc. Lấy sữa chế ra ly, sữa vẫn còn màu trắng, ngửi thấy có mùi men khó chịu. Chị Mỹ cho biết lúc cho cháu Ngọc uống thì hộp sữa chưa trương phình lớn như bây giờ, nên chị không biết rằng sữa đã hư. Chúng tôi xin phép chị Mỹ đem 2 hộp sữa đến Chi cục VSATTP tỉnh Bình Thuận yêu cầu xét nghiệm. Ông Võ Dương Đức, Chi cục trưởng cho biết: "Nhìn bên ngoài đã thấy trương phình, vả lại sữa lên men thì chắc chắn đã có vi khuẩn xâm nhập" nên không dám nhận.
Chiều ngày 11/6, Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), NM Sữa Sài Gòn đã có văn bản cùng với phiếu chứng nhận chất lượng sản phẩm gởi trực tiếp đến tận nhà cho chị Mỹ. Theo đó, Vinamilk khẳng định là không có lỗi do sản xuất, sau khi tiến hành kiểm tra mẫu lưu tại NM (cùng lô với lô hàng chị Mỹ phản ảnh). Ngoài ra lô sản phẩm này có 357 hộp Cty đã cung cấp cho rất nhiều khách hàng nhưng không thấy bất kỳ sự cố nào. Cty cho biết trong quá trình bảo quản, vận chuyển đường xa, có thể một vài sản phẩm va đập làm rách bao bì nên vi khuẩn có trong không khí lọt vào đến sữa nhanh chóng bị hỏng (gây phù sản phẩm), và đây là trường hợp cá biệt.
Kết thúc, Cty lại xin đổi số sản phẩm bị hư hỏng nhưng chị Mỹ vẫn kiên quyết từ chối. Sau đó, Vinamik đưa ra đề nghị “hỗ trợ tiền viện phí” cho gia đình và đề nghị chiều ngày 13/6 chị đưa thùng sữa bị lên men cho nhân viên Vinamilk mang về NM kiểm tra. Tuy nhiên, cho đến hôm qua (17/6), chị vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Vinamilk.