
Họa sĩ Phước Lade.
Lời nhắc nhở bảo vệ môi trường đã vang lên nhiều lần và đã vang lên nhiều nơi, khi nhân loại đối mặt hệ lụy biến đổi khí hậu toàn cầu. Họa sĩ Phước Lade chọn một lời nhắc nhở khác, lặng lẽ hơn và mang ấn tượng riêng, qua một loạt tranh có chung cảm hứng, được đặt tên là “Chút chút đỉnh”.
Với đời sống mỹ thuật, họa sĩ Phước Lade có thể là tên tuổi mới. Thế nhưng, họa sĩ Phước Lade còn có bút danh Lê Đắc Hoàng Hựu với hàng chục cuốn sách đã xuất bản, trong đó có thể kể đến các truyện dài “Nuối”, “Long đong gió thổi”, “Chạy nhảy trên dây điện”…

"Mặt đất và tầng không".
Giới cầm bút chuyển sang cầm cọ xưa nay không hiếm. Thực tế có nhiều nhà văn kiêm họa sĩ, hoặc nhà thơ kiêm họa sĩ như Lê Thị Kim, Nguyễn Quang Thiều, Trần Nhương, Trần Luân Tín, Giáng Vân, Trần Thị Trường… Tranh của những người cầm bút chuyển sang cầm cọ luôn có thế mạnh về ý tưởng. Họ khao khát dùng màu sắc để thể hiện một câu chuyện, một day dứt, một trắc ẩn…
Trường hợp họa sĩ Phước Lade cũng vậy. Xem tranh của Phước Lade dễ dàng thấy sự cồn cào của lời nhắc nhở con người hãy ngừng tay xâm hại thiên nhiên. Hiểm họa môi trường trở thành nỗi ưu tư thường trực trong tranh của họa sĩ Phước Lade.

"Rác".
Với tư cách giám tuyển cho triển lãm “Chút chút chơi”, họa sĩ Phan Trọng Văn cho rằng, triển lãm đầu của họa sĩ Phước Lade không hề non tay. Trong thế giới hội họa của Phước Lade, người xem như lạc vào một không gian vừa quen thuộc vừa xa lạ, nơi những mảnh ghép của thực tại và hư ảo đan xen một cách đầy ấn tượng.

"Cây nhân quả".
Triển lãm “Chút chút đỉnh” thì có gì? Một chút siêu thực phảng phất trong từng đường nét, cách sắp đặt hình ảnh kỳ lạ, phi lô-gich, gợi mở, vượt ra ngoài những gì mắt thường có thể thấy. Một chút “liêu trai” huyền bí len lỏi vào tranh, mang đến cảm giác về những giấc mơ chập chờn, những điều không thể lý giải rành mạch nhưng đầy âu lo. Một hình ảnh quen thuộc bỗng mang một vẻ đẹp ma mị, lôi cuốn nhưng cũng không kém phần bất an…

"Bám rễ".
Hành vi vẽ với họa sĩ Phước Lade không phải là con đường bằng lụa, mà là hành trình của một người lặng lẽ gói ghém từng kỹ thuật, từng bố cục, từng lớp ma-che xử lý bề mặt tranh, như thể học nghề từ đời sống, từ va vấp, từ quan sát xung quanh… Và đúng như tên triển lãm, tác giả “chút chút đỉnh” về hình họa, “chút chút đỉnh” về bố cục, “chút chút” về biểu cảm chất liệu, và gom lại thành cái rất riêng, đó là một cách vẽ tranh mộc mạc, thật thà, không màu mè nhưng giàu cảm xúc…

"Về phía ánh sáng".
Tuy nhiên, có lẽ cũng chính vì xuất phát điểm từ không trường lớp, họa sĩ Phước Lade vẫn còn giới hạn nhất định trong việc biểu hình, đặc biệt là khi muốn đẩy ý tưởng vượt khỏi trực tả. Nhưng bù lại, văn chương - một thế giới mà họa sĩ Phước Lade đã định vị bút danh Lê Đắc Hoàng Hựu lại là cầu nối tự nhiên giữa trò chơi chữ nghĩa và tạo hình.
Tranh của họa sĩ Phước Lade ngập ngừng mà không vụng, mộc mạc mà không xuề xòa, ý tưởng tuy phá phách táo bạo, mạnh dạn nhưng vẫn có mặt hạn chế về việc xử lý không gian, phối cảnh xa gần, màu sắc và tính lô-gich của hình đặc thù trong tranh siêu thực….

"Tuổi già tiếc nuối".
“Chút chút đỉnh” không đặt ra một cao vọng nghệ thuật nào. “Chút chút đỉnh” mang đến một lời nhắc nhở thầm lặng, một lời nhắc nhở con người cần đối xử tử tế với môi trường đang cưu mang con người.