Làng nghề bánh tráng truyền thống Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi (TPHCM) hiện đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Hàng loạt lò bánh đã ngưng hoạt động vì đầu ra bế tắc, nợ nần chất cao như núi.
Những ngày này khi về làng nghề bánh tráng truyền thống Phú Hòa Đông, chúng tôi thấy một không khí vô cùng ảm đạm vì hàng loạt lò bánh tráng lớn, nhỏ đã buộc phải đóng cửa ngưng SX. Đến nay chỉ còn lại vài lò bánh “đại gia” vẫn cố duy trì hoạt động nhưng cũng kẽo kẹt, làm cho đỡ buồn. HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông ra đời cuối năm 2006, có 11 xã viên. Lúc đầu tiêu thụ nội địa nhưng dần dà, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị và XK sang Pháp, Mỹ. Từ đó danh tiếng bánh tráng Phú Hoà Đông vươn xa.
Những lúc ấy ít ai nghĩ lại có ngày làng nghề bánh tráng lớn nhất phương Nam lại có ngày bi đát như hôm nay. Dẫn chúng tôi vào tham quan lò bánh, ông Lê Thế Khải, Chủ nhiệm HTX làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông buồn bã: “Lò bánh của HTX chỉ ráng hoạt động 1/3 công suất vì không thể chịu nổi giá thành nguyên liệu ngày càng tăng vọt. Đã thế các đối tác, khách hàng không chịu ký hợp đồng nên càng làm càng lỗ”. Theo ông Khải, nguyên liệu chính để làm bánh tráng là bột khoai mì hiện giá đang tăng vọt ở mức 248.000 đ/bao (50kg), trong khi ở cùng thời điểm năm ngoái chỉ khoảng 130.000 đ/bao, như vậy đã tăng tới 90,76%. Vậy nhưng giá thành sản phẩm XK chốt ở mức 18.000 đ/kg bánh tráng rồi.
Thực tế, HTX cũng đã nhiều lần thương lượng với đối tác XK để điều chỉnh mức giá nhưng không được. Vì khách hàng chỉ căn cứ vào giá gạo XK hiện đang giảm nên họ không chấp nhận tăng giá mua bánh mà đòi ngưng hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông Khải sau Tết Nguyên đán giá các mặt hàng nông sản có giảm, nhưng riêng giá sắn tăng mà bột củ mì đang chiếm tới 80% nguyên liệu làm bánh.
Theo các chủ lò bánh, giá thành bánh tráng (loại A) đủ tiêu chuẩn XK hiện ở mức 18.000 đ/kg, tương đương với 1,2 - 1,3 USD/kg. Còn với bánh tráng (loại B) tiêu thụ nội địa cũng chỉ ở mức 10.000 đ/kg thành phẩm. Hiện cả hai thị trường này đều đòi hỏi rất “gắt” về tiêu chuẩn VSATTP. Mà HTX chủ yếu XK theo hình thức ủy thác nên vẫn “thiệt đơn, thiệt kép”. Nếu tính hết tất cả các khoản chi phí mà giá XK vẫn không được điều chỉnh thì càng SX càng lỗ. Do vậy, nhiều lò bánh tráng buộc phải ngưng đốt lửa. Thực tế đến nay chỉ còn HTX Phú Hòa Đông SX cầm cự SX khoảng 8 tấn bánh tráng/tháng giao cho các siêu thị, còn các hợp đồng XK đang ách tắc toàn bộ.
“Nghệ nhân Ba Phận, người chế tạo ra hàng ngàn máy SX tráng bánh phục vụ làng nghề cũng đã tuyên bố “giải nghệ” vì không ai đến mua máy”. |
Quan sát thấy hàng trăm cái liếp phơi bánh, ông Ba Cớ đã đem chất đống ngoài cổng chờ bán lại, bằng không cũng chỉ làm...củi đốt. Bi đát hơn là lò bánh tráng của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng và chị Trương Thị Hữu Hạnh, ở ấp Bến Cỏ vừa đầu tư mua đất, xây dựng nhà xưởng, lò bánh, sắm máy móc…được khoảng 2 tháng nay cũng đành đóng cửa.
Cao điểm nhất xã Phú Hòa Đông có 1.700 lò đỏ lửa, trong đó có 44 lò tráng máy, chiếm hơn 50% số hộ toàn xã, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động. Mỗi ngày làng nghề ra lò 38 tấn bánh thành phẩm thì 80% XK. |
Đâu riêng ông Ba Cớ, vợ chồng anh chị Dũng- Hạnh hiện nhiều lò bánh tráng khác cũng đang “hấp hối” như lò ông Đoàn Văn Phục (ấp Phú An), hay lò ông Hoằng (ấp An Thạnh)…Nhiều người đã công bố “giải nghệ” nghề làm bánh.