Vùng biên giới tỉnh Tây Ninh từng là nơi gian khó, đất rộng người thưa, giao thông cách trở và điều kiện sản xuất chưa phát triển. Thế nhưng vài năm trở lại đây, diện mạo kinh tế vùng biên đang dần thay da đổi thịt, nhờ vào sự đồng hành từ nguồn vốn tín dụng từ Agribank chi nhánh Bắc Long An.
Không chỉ là một ngân hàng thương mại lớn hoạt động hiệu quả, Agribank Bắc Long An còn là người bạn đồng hành, hỗ trợ bà con nông dân nơi biên giới khởi nghiệp, ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Gia đình anh Hồ Hoàng Thuận, ngụ xã Bình Thành, tỉnh Tây Ninh phải rời quê hương ở tỉnh Vĩnh Long (trước đây là tỉnh Bến Tre cũ) đến vùng biên lập nghiệp với hai bàn tay trắng từ năm 1998. Đến nay, anh đã sở hữu hơn 5 ha đất sản xuất, canh tác hiệu quả với cây chanh, cây lúa và hoạt động thu mua nông sản.

Văn phòng đại diện Agribank Tây Nam Bộ phối hợp với Agribank chi nhánh Bắc Long An đến thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhờ nguồn vốn tín dụng từ Agribank trên địa bàn. Ảnh: Minh Khương.
“Tôi từng không nghĩ có thể trụ lại vùng này. Nhưng nhờ tiếp cận được nguồn vốn của Agribank, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư. Ban đầu chỉ vay vài chục triệu đồng, nay hạn mức đã lên đến 3 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và thủ tục rõ ràng. Nhờ đó, chúng tôi không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương”, anh Thuận chia sẻ.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, gia đình anh Thuận còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản, giúp mọi người có cuộc sống ổn định.
Câu chuyện khởi nghiệp của anh Lương Văn Nghiệp ở xã Đông Thành cũng là điển hình cho sự thay đổi từ nội lực, cộng với sự tiếp sức đúng lúc của Agribank. Từ 1 ha đất trồng lúa, hiệu quả kinh tế thấp, anh Nghiệp đã biến khu đất thành mô hình VAC, với ao nuôi cá rô đầu vuông, trồng cỏ nuôi bò, nuôi gia cầm, ếch và làm đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi.

Mô hình nuôi cá rô đầu vuông quy mô trên 800m2 của anh Lương Văn Nghiệp đang mang lại thu nhập ổn định nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn của Agribank. Ảnh: Minh Khương.
Mỗi năm, chỉ riêng ao cá 800m², anh thu hoạch được 3 vụ cá, lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng. Chuồng trại luôn duy trì 5 con bò nái, cung cấp bê giống đều đặn. Đặc biệt, việc kết hợp chăn nuôi và đại lý thức ăn giúp gia đình anh có thu nhập ổn định, tránh phụ thuộc vào giá cả thị trường.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sang ở xã Mỹ Quý, nhờ có lợi thế về diện tích đất canh tác lớn, khoảng 10 ha, anh được giới thiệu tiếp cận nguồn vốn từ Agribank và mạnh dạn đầu tư trại nuôi bò vỗ béo quy mô lớn.
Hiện anh nuôi 300 con/đợt, mỗi con mang lại lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng sau 3 tháng nuôi, mang lại thu nhập ròng gần 4 tỷ đồng/năm.
Điều đặc biệt là dù quy mô và ngành nghề khác nhau, nhưng điểm chung giữa các hộ dân này là bà con được tiếp cận nguồn vốn kịp thời, thủ tục rõ ràng và lãi suất ưu đãi từ Agribank chi nhánh Bắc Long An.
Đây chính là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế nông thôn biên giới. Nhờ chủ trương đúng đắn và linh hoạt, Agribank không chỉ giải quyết bài toán vốn mà còn tạo động lực tinh thần, giúp người dân yên tâm gắn bó lâu dài với đất biên cương.

Với định hướng bền vững, tận tâm và linh hoạt, Agribank Bắc Long An đang khẳng định vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển vùng biên Tây Ninh. Ảnh: Minh Khương.
Không chỉ dừng ở cung ứng tín dụng, Chi nhánh còn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển mạng lưới máy ATM, POS và ngân hàng điện tử, giúp khách hàng vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Khanh, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Long An: “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu không chỉ tăng trưởng về quy mô tín dụng, mà còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng vốn không chỉ là vật chất mà còn là niềm tin, là lời cam kết của Agribank với người dân”.
Với định hướng bền vững, tận tâm và linh hoạt, Agribank Bắc Long An đang khẳng định vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển vùng biên, mỗi đồng vốn đến đúng thời điểm, đúng đối tượng, tiếp sức cho người dân trong phát triển kinh tế gia đình.